Hiệp hội các tổ chức tiêu dùng Đức (VZBV) vừa cho biết, Tòa án khu vực Berlin (Đức) đã phán quyết chính sách buộc người dùng phải sử dụng tên thật của Facebook không phù hợp với các quy định pháp luật.
Theo phán quyết, vốn là kết quả của việc VZBV khởi kiện Facebook, người dùng có quyền đăng ký sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng tên ảo, đây là điều đã được các luật về quyền riêng tư, vốn đã tồn tại nhiều thập kỷ qua, quy định hết sức rõ ràng.
Theo VZBV, tòa án Berlin cho rằng, chính sách ép buộc người dùng sử dụng tên thật của Facebook thực chất là một phương thức nhằm bí mật thu thập thông tin của người dùng.
Bên cạnh đó, Facebook cũng không cung cấp những lựa chọn rõ ràng cho người dùng đối với các thiết lập mặc định khác, ví dụ như chia sẻ vị trí của họ trong các cuộc trò truyện trực tuyến.
Vì vậy, tòa đã ra phán quyết, không cho phép Facebook sử dụng thông tin (bao gồm hình ảnh đại diện) của người dùng cho "thương mại, tài trợ hoặc các nội dung liên quan".
Tuy nhiên, VZBV hiện chưa đạt được mọi kiến nghị mong muốn, điển hình như việc cáo buộc các dịch vụ của Facebook về bản chất không phải miễn phí bởi người dùng buộc phải chi trả bằng thông tin cá nhân của mình. Bên cạnh đó, việc phán quyết lần này mới chỉ do một tòa án địa phương của một thành viên Liên minh Châu Âu (EU) đưa ra, cho thấy sức ảnh hưởng tạm thời chưa lớn.
Tuy nhiên, việc một tổ chức đại diện cho người tiêu dùng như VZBV có thể thắng kiện trước đại gia hàng đầu về mạng xã hội trong việc bảo vệ quyền riêng tư đã được giới chuyên môn đánh giá cao.
Về phần mình, Facebook khẳng định sẽ kháng cáo, nhưng cũng cho biết sẽ thực hiện một số điều chỉnh để đảm bảo tuân thủ các quy định về quyền riêng tư cá nhân của EU, vốn sẽ có hiệu lực từ tháng 6 tới.
Trong những năm qua, mạng xã hội này đã liên tục vấp phải nhiều rắc rối về pháp lý tại các quốc gia Châu Âu, cũng như cả EU. Đây là những khu vực có nhiều quy định chặt chẽ hơn rất nhiều so với Mỹ.
Nguồn: Nguyễn Thúc
Hà Nội Mới