Foto: Bác sĩ người Đức khám bệnh tại bệnh viện ở Busan năm 1954, ẢNH CHỤP MÀN HÌNH YONHAP
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 22.6 thông báo đã đưa Tây Đức vào danh sách 6 nước hỗ trợ y tế cho cuộc chiến tranh trên bán đảo liên Triều 64 năm trước, theo Yonhap. Tháng 5.1954, Tây Đức xây một bệnh viện và cử đội ngũ y tế đến hoạt động tại thành phố Busan của Hàn Quốc.
Sau khi chiến tranh bùng phát trên bán đảo Triều Tiên (6.1950), có 21 nước thuộc lực lượng Liên Hiệp Quốc ủng hộ cho miền Nam trong khi miền Bắc được Trung Quốc và Liên Xô hỗ trợ.
Trong lực lượng Liên Hiệp Quốc, có 16 nước đưa lính đến tham chiến, 4 nước (Ấn Độ, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển) đưa đội ngũ y tế đến trong khi Ý giúp xây một bệnh viện.
Tây Đức không được đưa vào danh sách các nước hỗ trợ y tế trong Chiến tranh Triều Tiên vì hoạt động hỗ trợ của nước này diễn ra sau khi thỏa thuận ngừng bắn được ký ngày 27.7.1953.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc gần đây đánh giá lại vai trò của Đức, tổ chức những cuộc hội thảo chuyên đề để lắng nghe ý kiến của giới học giả chuyên gia và kết luận rằng vào tháng 5.1953, Tây Đức có đề đạt ý định xây bệnh viện và đưa một đội nhân viên y tế đến miền Nam để hỗ trợ.
Hàn Quốc cho rằng ý định của Tây Đức được đưa ra “trong thời chiến” chứ không phải là nỗ lực hỗ trợ thời hậu chiến nên việc đưa nước này vào danh sách nói trên là thích hợp. Bên cạnh đó, Tây Đức tham gia hỗ trợ dưới sự lãnh đạo của Liên Hiệp Quốc cũng là một yếu tố được mang ra cân nhắc cho quyết định trên.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết bắt đầu đánh giá lại vai trò của Tây Đức trong Chiến tranh Triều Tiên từ sau khi Tổng thống Moon Jae-in đến Berlin vào tháng 7.2017 và gặp gỡ những nhân viên y tế Tây Đức sống sót từ cuộc chiến và con cháu của những người đã qua đời.
Sau Thế chiến 2 kết thúc năm 1945, nước Đức chia thành 2 phần là Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) và Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức). Hai nước tồn tại cho đến khi tái thống nhất vào năm 1990.
Báo Thanh Niên