Công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp xe ô tô của Hãng Volkswagen ở Wolfsburg (Đức). Ảnh: REUTERS/TTXVN
Gần 82% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Ifo cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm nguồn linh kiện và nguyên liệu thô.
Đây là tỷ lệ cao nhất là Ifo từng ghi nhận. Trước đó, trong tháng 11, 74,4% các công ty trả lời khảo sát cho biết họ đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung, sau khi tình hình này đã giảm nhẹ trong tháng 10.
Ông Klaus Wohlrabe, người đứng đầu Ifo cho biết hoạt động chế tạo tại Đức đang đối mặt với một nghịch lý, khi đơn đặt hàng tăng mạnh nhưng các công ty lại không thể gia tăng sản xuất vì thiếu nguyên liệu.
Trong đó, các nhà sản xuất thiết bị điện tử bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 93,8% cho biết họ gặp khó khăn do thiếu sản phẩm bán dẫn.
Tình trạng thiếu chip, vốn là một linh kiện chủ chốt trong cả ô tô truyền thống và ô tô điện, cũng tác động mạnh đến lĩnh vực sản xuất ô tô, với 92,9% các công ty bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng chip này.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên quy mô lớn là một nguyên nhân khiến lạm phát tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Tháng 11, giá cả tại Đức đã tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong 29 năm qua, một phần cũng vì giá năng lượng tăng đột biến.
Theo BNews