Các số liệu thống kê mới công bố ngày 9/5 cho thấy số người di cư tới Đức đã giảm mạnh trong tháng 4, đặc biệt là sau thời điểm lộ trình di cư quen thuộc qua các quốc gia Balkan bị đóng lại.
Cụ thể, trong tháng 4, chỉ có 16.000 người di cư tới Đức xin tị nạn, giảm khoảng 25% so với con số 20.000 người của một tháng trước đó và giảm gần 90% so với con số 120.000 người hồi tháng 12/2015.
Trong đó, người di cư đến từ Syria chiếm số lượng đông đảo hơn cả với 2.724 người, tiếp đó là người Afghanistan và người Iraq.
Năm 2015, Đức tiếp nhận hơn 1 triệu người di cư đặc biệt sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi tháng 9 tuyên bố tạo điều kiện cấp quy chế tị nạn cho những người di cư đến từ Syria, quốc gia chịu tàn phá nặng nề từ cuộc nội chiến kéo dài gần 6 năm qua.
Tuy nhiên, làn sóng người di cư kéo tới quá đông đã khiến quốc gia này phải áp dụng một số biện pháp như kiểm soát biên giới tạm thời nhằm khắc phục tình trạng quá tải.
Ngoài ra, các quốc gia vùng Balkan cũng đóng cửa biên giới, ngăn chặn làn sóng người di cư ồ ạt kéo tới để tìm đường tới Đức.
Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, Bộ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết cho đến nay có 386 người di cư, trong đó có 14 người Syria, đã được đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi đó khoảng 125 người Syria đã được đưa tới các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) theo thỏa thuận "trao đổi" mà hai bên đạt được hồi tháng 3 vừa qua nhằm ngăn chặn người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đổ về Hy lạp để tìm đường tới các quốc gia Bắc Âu.
Thỏa thuận EU- Thổ Nhĩ Kỳ được ký kết ngày 20/3, sau khi các quốc gia Balkan đóng cửa biên giới khiến hàng chục nghìn người di cư bị mắc kẹt tại Hy Lạp trong điều kiện "cùng cực".
Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp nhận lại những người di cư không đủ điều kiện xin tị nạn tại Hy Lạp đổi lại cứ mỗi người di cư Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận lại thì EU cũng phải tạo điều kiện tái định cư cho một người di cư từ trại tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Vietnam