Trong khi diễn tập chung với Anh hôm 12/7, tàu ngầm Tridente (do Đức sản xuất) của Hải quân Bồ Đào Nha đã bị mắc vào lưới đánh cá của ngư dân.
Tàu ngầm AIP không phải là ngoại lệ
Thông tin này được hãng tin AP dẫn nguồn từ Hải quân Pháp cho biết, tại thời tàu ngầm Tridente "gặp nạn", nó đang tham gia cuộc diễn tập chung với Hải quân Hoàng gia Anh tại vùng biển cách mũi Lizard Point, phía Tây Nam nước Anh khoảng 55 km.
Tàu Tridente mắc vào lưới của Daytona, một tàu cá đăng ký tại cảng Saint-Brieuc nước Pháp, đang đánh cá trong khu vực. "Tàu ngầm lập tức trồi lên và liên lạc với tàu cá", nhà chức trách Pháp cho biết. Vụ việc không gây thương vong và không gây hư hại cho cả tàu ngầm lẫn tàu cá.
Được biết, tàu ngầm đa năng Trident Type-209 PN do Hải quân Bồ Đào Nha và Tập đoàn sản xuất tàu ngầm GSC mà đứng đầu là Xưởng đóng tàu HDW của Đức cùng hợp tác sản xuất được ký kết hồi tháng 4/2004 theo kết quả gói thầu quốc tế.
Tàu ngầm Trident Type-209 PN của Bồ Đào Nha.
Tàu ngầm Trident có chiều dài 68 m, rộng 6,3 m, lượng choán nước 1.850 tấn, biên chế kíp lái 32 người. Nó được trang bị thiết bị tạo năng lượng liên hợp diesel điện/không phụ thuộc vào dưỡng khí nên có thể cho phép tàu có thể đạt vận tốc tối đa 22,5 hải lý/h khi hoạt động chìm và 11 hải lý/h khi hoạt động trên mặt nước.
Vũ khí, trang bị biên chế trên tàu ngầm Trident Type-209 PN bao gồm: 8 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm sử dụng loại ngư lôi WASS Black Shark (16 quả), tên lửa Sub Harpoon hoặc thủy lôi.
Khắc tinh của tàu ngầm
Ít ai biết rằng những tàu ngầm hiện đại như Kilo hay Type 209 và hơn thế nữa lại có thể dễ dàng bị khắc chế bởi "vũ khí chống ngầm" là lưới đánh cá.
Theo cổng thông tin điện tử của Hải quân Nga hồi đầu tháng 5/2016, tàu ngầm Kilo Krasnodar của Nga cũng chung số phận với chiếc Trident khi bất ngờ vướng vào lưới đánh cá của tàu Ba Lan trên biển Baltic. Ngoài ra, lưới đánh cá cũng đã tóm sống tàu ngầm INS Sindhughosh của Ấn Độ hồi đầu năm 2015.
Sau khi nhiều vụ tàu ngầm vưới vào lưới đánh cá của ngư dân, tạp chí quốc phòng IHS Jane's đã có phân tích nói về sự nguy hiểm của loại "vũ khí diệt ngầm" này.
"Tai nạn gây nguy hiểm nhất với tàu ngầm là lưới cá vướng vào chân vịt. Bản chất vấn đề là khi một miếng lưới vướng vào chân vịt, nó sẽ quấn chặt và khiến chân vịt bị kẹt cứng. Bất kỳ loại lưới nào của ngư dân đều có nguy cơ tiềm ẩn với các con tàu.
Nhìn những loại lưới đó dù rất mỏng manh, nhưng vì đan các mắt lưới nhỏ sẽ tạo ra các lực giữ rất lớn, trở thành một cái hãm tàu lại. Không ít tàu ngầm vướng lưới đánh cá vào chân vịt và không thể di chuyển, thậm chí có trường hợp tàu gặp nạn và không thể nổi lên", IHS Jane's nhận định.
Được biết, trước khi tàu ngầm Kilo Ấn Độ mắc lưới đánh cá, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, một chiếc tàu ngầm Liên Xô cũng gặp sự cố tương tự và không thể nổi lên mặt nước.
Tại thời điểm đó, một tàu ngầm mini của Liên Xô với thủy thủ đoàn gồm 7 người bị vướng lưới đánh cá tại vùng biển ngoài khơi gần Vladivostok. Lúc này quân đội Liên Xô không công bố thông tin song ngư dân đã phát hiện và thông tin bắt đầu lan truyền.
Khi đó Liên Xô không có các trang thiết bị cứu hộ tàu ngầm với độ sâu và hình thức tai nạn như vậy. Và dù trong hoàn cảnh đang đối đầu với nhau, phía Mỹ và Anh cũng đề nghị được cứu trợ cho con tàu không may mắn này. Tuy nhiên Liên Xô không đồng ý cho các thiết bị của phương Tây vào cuộc.
Và sau nhiều cuộc thương thuyết, Moscow buộc để các chuyên gia hàng hải của Mỹ, Anh tham gia cứu hộ. Và một máy bay vận tải quân sự C47 của Mỹ đã chở thẳng một tàu lặn đến cảng Vladivostok.
Kết quả thì khi chỉ còn 30 phút nữa là hết hoàn toàn dưỡng khí trong tàu ngầm mini của Liên Xô thì các thủy thủ đoàn được đưa lên bờ an toàn". Được biết, trong Thế chiến thứ hai, Đức Quốc xã đã thành công khi sử dụng lưới đánh cá để rào kín các cửa biển khi đối mặt với tàu ngầm của Liên Xô.
Tuấn Vũ
Báo Đất Việt