Thảm họa hạt nhân Fukushima của Nhật Bản xảy ra cách đây 5 năm đã buộc Thủ tướng Đức Angela Merkel thay đổi hoàn toàn lập trường về hạt nhân, đưa nước Đức chuyển dần sang sử dụng các năng lượng thay thế.
Tuy nhiên cho tới nay, nền kinh tế hàng đầu châu Âu này vẫn chưa từ bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân.
Ngay từ thập niên 1990, nguyên Thủ tướng Gerhard Schroder đã có kế hoạch ngừng hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân và chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, nhưng Chính phủ của Thủ tướng Merkel vào cuối năm 2010 đã quyết định duy trì các lò phản ứng hạt nhân.
Sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011, Berlin đã ra lệnh đóng cửa ngay lập tức các lò phản ứng hạt nhân cũ nhất và đề ra kế hoạch đóng cửa dần các nhà máy điện nguyên tử cho đến năm 2022.
Bên cạnh đó, Chính phủ của bà Merkel đề ra nhiều mục tiêu tham vọng, như đến năm 2050, 80% lượng điện tiêu thụ ở Đức sản xuất từ năng lượng sạch.
Cho tới nay, Đức là quốc gia duy nhất trên thế giới quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân, nhưng nhiều thách thức đang chờ đón nước này.
Thứ nhất là vấn đề trợ giá năng lượng tái tạo. Thứ hai là phát triển mạng lưới điện để chuyển tải năng lượng từ các cơ sở điện gió ở vùng bờ biển phía Bắc xuống các vùng phía Nam và phía Tây của Đức.
Hiện người dân Đức trả tiền điện đắt hơn 41% so với người dân các nước châu Âu khác. Vì vậy chính phủ vừa phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhưng không làm cho giá điện tăng lên.
Mặc dù tỷ lệ năng lượng sạch ngày càng tăng, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở Đức vẫn chưa giảm. Than đá vẫn chiếm tỷ lệ lớn (42%) trong ngành sản xuất điện ở Đức.
Có thể nói, thách thức lớn nhất đối với nước Đức đó là tìm đủ nguồn tài chính để đóng cửa 8 nhà máy điện hạt nhân còn đang hoạt động, nhằm thực hiện mục tiêu từ bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân.