Hồi cuối tháng 8, ông Scholz trở thành mục tiêu công kích của một loạt từ báo Đức.
Nhật báo Bild chỉ trích gay gắt Thủ tướng trong khi tờ Spiegel phê phán phong cách giao tiếp ngập ngừng của nhà lãnh đạo Đức trong bài viết với tiêu đề “Scholz im lặng”. Trang podcast The Pioneer kết luận Thủ tướng Scholz vừa trải qua "một tuần kinh hoàng".
Nguyên nhân bắt nguồn từ việc ông không lên tiếng với tuyên bố cáo buộc Israel gây ra "50 vụ thảm sát Holocauts" của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khi cả hai đứng cạnh nhau ở Berlin.
Nhưng sự bất mãn với nhà lãnh đạo Đức vốn đã âm ỉ từ trước đó.
Kể từ khi nhậm chức cuối tháng 12 năm ngoái, ông Scholz phải vật lộn để tìm kiếm chỗ đứng của mình với tư cách nhà lãnh đạo nền dân chủ lớn nhất châu Âu và người kế nhiệm của bà Merkel - vị thủ tướng tại vị lâu nhất lục địa già.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: EPA)
Nhưng vấn đề của ông Scholz không chỉ nằm ở trong nước. Với sức mạnh kinh tế và chính trị của Đức ở châu Âu, đường hướng lãnh đạo của chính quyền Berlin có ý nghĩa quan trọng với vai trò lãnh đạo trong Liên minh châu Âu (EU) ở thời diểm không một quốc gia nào có thể thay thế vị trí đầu tàu của họ.
Bị cáo buộc quá xa cách và thụ động trong giao tiếp, tỷ lệ ủng hộ ông Scholz trong các cuộc thăm dò gần đây đã sụt giảm, thua xa Phó thủ tướng và Ngoại trưởng của ông.
Ở nước ngoài, ông cũng không thu được nhiều cái nhìn thiện cảm.
Vào tháng 2, ông Scholz gây bất ngờ khi công bố đáp trả việc Nga đưa quân sang Ukraine bằng kế hoạch trị giá 100 tỷ USD nhằm tái vũ trang quân đội, gửi vũ khí cho Kiev và chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Đó là sự thay đổi chính sách đối ngoại lớn nhất của Đức kể từ sau Chiến tranh Lạnh, điều mà ông Scholz gọi là Zeitenwende - thay đổi mang tính lịch sử.
Nhưng trong gần 6 tháng kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, ông tỏ ra không quá mặn mà với lệnh cấm vận khí đốt, cho rằng nó quá tốn kém. Ông cũng chần chừ trong việc chuyển giao vũ khí cho Kiev.
Theo báo cáo mới đây của Viện kinh tế Đức ở Cologne, Đức có thể sẽ một lần nữa thất bại với mục tiêu dành 2% GDP cho quốc phòng.
"Kể từ sau bài phát biểu Zeitenwende là một loạt các sự cố. Rất nhiều điều đã được hứa hẹn, nhưng khi bạn nhìn vào thực tế thì chẳng có mấy thứ ấn tượng trong khi cuộc chiến đã qua được 6 tháng", ông Sudha David-Wilp - phó Giám đốc văn phòng Quỹ German Marshall ở Berlin cho hay.
"Ông ấy thiếu kỹ năng giao tiếp và hay do dự", chuyên gia này nói thêm.
Sự lưỡng lự đó bộc lộ rõ ràng khi ông tổ chức cuộc họp báo chung với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hồi tháng trước. Khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng xin lỗi vì vụ tấn công khủng bố của Palestine tại Thế vận hội năm 1972 ở Munich khiến 11 vận động viên Israel thiệt mạng hay không, Tổng thống Abbas chỉ trích ngược người Israel.
"Từ năm 1947 đến nay, Israel đã thực hiện 50 vụ thảm sát tại 50 địa điểm của người Palestine", ông Abbas nói trước khi nhắc tới "50 vụ thảm sát Holocaust" - cuộc tàn sát chủng tộc đối với 6 triệu người Do Thái trong thời gian Thế chiến II do Đức Quốc xã gây ra.
Ông Scholz đứng cạnh đanh mặt nhưng lại không đưa ra bất cứ tuyên bố nào. Ông bắt tay ông Abbas khi người phát ngôn của ông kết thúc cuộc họp báo ngay sau đó.
Cơn bão chỉ trích sau đó ập tới.
Thủ tướng Scholz và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas trong cuộc họp báo tại Berlin hồi tháng 8. (Ảnh: Reuters)
"Không thể để những nhận xét như vậy được phép tồn tại. Thật tai tiếng khi Holocaust lại được nhắc tới, đặc biệt là ở Đức, trong một cuộc họp báo của Thủ tướng", Josef Schuster - Chủ tịch Hội đồng người Do Thái ở Đức nói.
Thủ tướng Israel Yair Lapid, con của một người sống sót sau thảm họa Holocaust gọi đó là "sự xấu hổ về đạo đức" khi những bình luận như vậy được đưa ra trên đất Đức.
Trong khi đó, Friedrich Merz, lãnh đạo phe đối lập bảo thủ Đức gọi việc ông Scholz không lên tiếng là "vượt ngoài sức tưởng tượng".
"Thủ tướng lẽ ra phải lên tiếng phản đổi Tổng thống Palestine và yêu cầu ông ấy rời đi", ông Merz nói.
Trong phản ứng được đánh giá là muộn màng sau đó, ông Scholz nói với tờ Bild rằng "bất kỳ tuyên bố nào nhắx tới Holocaust đều không thể chấp nhận được".
"Tôi hết sức bức xúc về các bình luận của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Tôi lên án bất kỳ nỗ lực nào nhằm phủ nhận tội ác của Holocaust", ông viết trên Twitter một ngày sau đó.
Steffen Hebestreit - người phát ngôn của ông Scholz cố gắng nhận lỗi về mình, nói rằng bản thân đã kết thúc cuộc họp báo quá nhanh khiến Thủ tướng ứng biến không kịp. Nhưng lời bào chữa này không thuyết phục được truyền thông Đức.
Ngoài việc mất điểm trước truyền thông và dư luận, vị Thủ tướng Đức đương nhiệm đang phải chịu áp lực ngày càng lớn trước cáo buộc ông từng giúp ngân hàng tư nhân M.M. Warburg trốn khoản thuế trị giá 47 triệu euro phải nộp cho thành phố Hamburg năm 2016 khi ông còn là thị trưởng.
Ông Scholz ban đầu phủ nhận từng gặp riêng một đồng sở hữu M.M. Warburg, nhưng sau đó thừa nhận cả hai gặp nhau khi lịch trình cá nhân của lãnh đạo ngân hàng này bị công bố.
Trong cuộc điều trần trước nghị viện Hamburg hôm 19/8, ông nói không nhớ nội dung cuộc trao đổi nhưng vẫn khẳng định "không có yếu tố chính trị" trong vụ việc.
“Không có gì cả", ông nói.
Nhưng ông Merz không tin lời Thủ tướng Olaf Scholz và cho rằng "có lẽ tất cả mọi người ở Đức đều như vậy".
Cùng với đó, nhà lãnh đạo Đức đang phải đối mặt với một loạt thách thức kinh tế từ lạm phát gia tăng, tăng trưởng chậm lại và tình trạng thiếu khí đốt tiềm ẩn sau khi tập đoàn Gazprom của Nga tiếp tục thông báo tạm dừng nguồn cung tới Đức.
Hồi giữa tháng 8, đám đông biểu tình la hét giận dữ khi ông tới thăm một thị trấn phía đông nước Đức. Họ chỉ trích lời hứa của ông về việc giảm thuế đối với khí đốt tự nhiên.
Một số nhà quan sát cảnh báo về một mùa đông biểu tình khi người Đức cảm thấy sức nóng của chi phí sưởi ấm tăng cao.
Theo kết quả thăm dò được công bố hôm 19/8, chưa tới 20% người Đức nói họ sẽ bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ Xã hội (SDP) của ông Scholz vào thời điểm này. Điều này đồng nghĩa nếu một cuộc bầu cử được tổ chức vào lúc này, SDP sẽ bị đánh bại.
"Hầu hết người Đức đều từng tin rằng ông Scholz đã có sự chuẩn bị tốt nhất khi tiếp nhận vị trí hiện tại. Nhưng có vẻ như ông ấy chưa thực sự sẵn sàng. Ông ấy có thể là một chính trị gia có trách nhiệm nhưng lại chưa thực sự thể hiện được các kỹ năng giao tiếp và sắc thái cần thiết để trở thành lãnh đạo của nền kinh tế lớn nhất châu Âu", chuyên gia David-Wilp nhận định.
SONG HY(Tổng hợp)
Theo VTC