Đây là điều mà bà luôn phản đối trong suốt hơn 2 năm qua vì cho là đi ngược lại với các giá trị của nước Đức.
Nó cho thấy sự nhượng bộ đáng kể của người đứng đầu Chính phủ trước sức ép ngày càng tăng của các lực lượng cánh hữu ngay trong chính nội bộ đảng cầm quyền, nhất là sau cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua.
Tại cuộc họp “khủng hoảng” diễn ra hôm qua ở thủ đô Berlin, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) do đương kim Thủ tướng Angela Merkel lãnh đạo và các đồng minh trong Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) đã đạt được một sự thỏa hiệp đáng kể khi bà Merkel đồng ý với mục tiêu trần hàng năm số người nhập cư được phép vào Đức thời gian tới.
Bà Merkel đã phải chấp nhận nhượng bộ trong cuộc họp ngày 8/10. (Ảnh: EPA)
Sự nhượng bộ này một mặt giúp Thủ tướng Merkel gỡ bỏ trở ngại lớn nhất gây mâu thuẫn nội bộ trong liên đảng cầm quyền CDU và CSU.
Mặt khác, điều này cũng có thể giúp Thủ tướng Merkel “thở phào nhẹ nhõm” để bắt đầu hướng tới các cuộc đàm phán thành lập liên minh với đảng Dân chủ tự do theo đường lối thân thiện với giới kinh doanh và đảng Xanh vốn là một đảng cánh tả truyền thống.
“Chúng ta phải đàm phán về cách xây dựng một chính phủ đáng tin cậy bao gồm CDU và CSU, đảng Dân chủ Tự do và đảng Xanh”, Thủ tướng Merkel nói. “Đây sẽ là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Chúng ta sẽ phải chiến đấu để có câu trả lời về việc thành lập một chính phủ mà sẽ phải làm việc tới tận năm 2021, làm sao chính phủ có thể làm tốt hơn những gì của năm 2017”.
Văn kiện đạt được sau cuộc đàm phán nêu rõ, liên đảng cầm quyền muốn đạt được mục tiêu hạn chế số người nhập cư được tiếp nhận tại Đức vì lý do nhân đạo sẽ không vượt quá con số 200.000 người mỗi năm và hi vọng điều này sẽ góp phần chấm dứt những bất đồng kéo dài suốt 2 năm qua. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy một luật nhập cư nhằm ưu tiên cho những nhập cư có tay nghề cao để có thể lấp đầy khoảng trống trên thị trường lao động tại Đức. Đây cũng là vấn đề được đảng Dân chủ tự do và đảng Xanh ủng hộ.
Trên thực tế, CSU, lâu nay vốn không hài lòng với quyết định của Thủ tướng Merkel mở cửa cho hơn 1 triệu người xin tị nạn vào Đức giai đoạn 2015-2016 đã nhiều lần yêu cầu người đứng đầu chính phủ phải có sự thay đổi và coi đây là điều kiện để tham gia chính phủ tương lai.
Dù cuối cùng đã phải nhượng bộ, bà Merkel vẫn không muốn từ bỏ hoàn toàn lập trường của mình trong vấn đề này khi nhấn mạnh đây không phải là một hạn ngạch bắt buộc, mà là một mục tiêu hàng năm.
Ngoài ra, nguyên tắc về quyền tị nạn cũng không bị xem xét lại. Bà Merkel muốn giữ lại cơ hội cho người tị nạn trong trường hợp khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng như cuộc nội chiến tại Syria.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc chấp nhận một mục tiêu cụ thể dù vẫn luôn bác bỏ vì cho là đi ngược lại với các giá trị của nước Đức, bà Merkel đã cho thấy sự nhượng bộ chính trị đáng kể trước phe cánh hữu trong liên đảng chính trị của mình.
Trên thực tế bà Merkel đã phải đối mặt với những sức ép lớn, sau cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, dù đảng của bà giành chiến thắng song lại với tỷ lệ được xem là tồi tệ nhất kể từ năm 1949 (32,9%). Kết quả gây thất vọng này, cùng với việc đảng Sự lựa chọn vì nước này (AfD) theo đường lối cực hữu và dân túy lần đầu tiên có mặt và trở thành đảng lớn thứ 3 trong Quốc hội Liên bang Đức dự báo sẽ làm suy yếu nghiêm trọng uy tín cũng như quyền lực của bà Merkel trong nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 4 này.
Những ý kiến phản đối xuất hiện ngay trong chính đảng cầm quyền, cho rằng, chính chính sách ôn hòa và “quá bao dung” với người tị nạn của bà đã khiến các cử tri quay lưng lại với đảng này và tìm đến với đảng cánh hữu dân tộc chủ nghĩa chống nhập cư.
Chính vì thế, theo các nhà phân tích, việc liên đảng cầm quyền đạt được thỏa hiệp trong chính sách nhập cư mới chỉ là một bước đi đầu tiên trong tiến trình đàm phán thành lập chính phủ tại Đức và giai đoạn đàm phán tiếp theo dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, khi 3 bên có quan điểm khác biệt trong nhiều vấn đề, không chỉ là nhập cư, mà còn là thuế hay năng lượng.
Bài toán đặt ra đối với người đứng đầu Chính phủ Đức đó là làm thế nào để kiềm chế sự trỗi dậy của các lực lượng cánh hữu nay đã tham chính tại nước này.
Thu Hoài/VOV