Berlin sẵn sàng hậu thuẫn việc thành lập một "chính phủ kinh tế" để quy tụ các biện pháp hữu hiệu nhất giúp thúc thẩy việc làm và tăng trưởng tại 19 quốc gia thành viên EU.

 

Ngày 20.06, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có bài phát biểu tại hội nghị hằng năm của ngành công nghiệp Đức.

Trong đó bà đề cập đến khả năng cải tổ khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), tiến trình đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến diễn ra tại Đức vào tháng tới. 

Phát biểu trước giới lãnh đạo doanh nghiệp tại thủ đô Berlin, bà Merkel bày tỏ ủng hộ lời kêu gọi tiến hành một cuộc "tái cấu trúc lịch sử" EU của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thừa nhận rằng sự gắn kết về mặt kinh tế của các nước thành viên eurozone cần được cải thiện. 

Theo đó, Berlin sẵn sàng hậu thuẫn việc thành lập một "chính phủ kinh tế" để quy tụ các biện pháp hữu hiệu nhất giúp thúc thẩy việc làm và tăng trưởng tại 19 quốc gia thành viên eurozone và nếu tình hình cho phép có thể cân nhắc việc bổ nhiệm một bộ trưởng tài chính chung toàn khối. 

Đức thậm chí sẽ ủng hộ việc hình thành một ngân sách riêng cho eurozone nếu phương án này giúp củng cố cơ cấu nền kinh tế. 

Thủ tướng Đức: Sẵn sàng cho cuộc cải cách lịch sử của châu Âu - 0Thủ tướng Đức Angela Merkel. Foto: DPA/ Reuters

Trong thời gian tranh cử tổng thống Pháp, ông Macron đã đề xuất nhiều ý tưởng cải cách khu vực eurozone với mục tiêu củng cố sức mạnh khối này trước những ý kiến chỉ trích và chủ nghĩa dân túy. 

Những ý tưởng chủ chốt của ông Macron bao gồm thành lập một ngân sách riêng cho eurozone, thành lập cơ quan lập pháp riêng và bổ nhiệm bộ trưởng tài chính riêng của khối. 

Cũng trong bài phát biểu của mình, liên quan tiến trình Brexit, Thủ tướng Đức hối thúc 27 quốc gia thành viên còn lại của EU đoàn kết trong tiến trình đàm phán với London, nhấn mạnh các cuộc thương lượng này rất quan trọng đối với tương lai gắn kết của châu Âu.

Bà nhấn mạnh quy chế tự do dịch chuyển hàng hóa, dòng vốn, con người và dịch vụ vốn là "xương sống" của thị trường chung châu Âu "không thể bị phá hủy."

Bà tái khẳng định mong muốn duy trì quan hệ đối tác thân thiện với Anh hậu Brexit và bày tỏ mong muốn các cuộc đàm phán sẽ diễn ra trên "tinh thần thân thiện" và hy vọng London sẽ đưa ra quan điểm rõ ràng của mình trong những tháng tới. 

EU sẽ cân nhắc các quan điểm của Anh song sẽ bảo vệ tối đa lợi ích của 27 thành viên nội khối. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Merkel cho biết trên cương vị chủ tịch luân phiên G20, Đức sẽ tập trung thúc đẩy thương mại tự do và bình đẳng.

Berlin sẽ nỗ lực để đạt được đồng thuận về vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến tổ chức tại thành phố Hamburg vào đầu tháng 7 dù đây không phải nhiệm vụ dễ dàng với quan điểm hiện tại của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nguồn: TTXVN

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC