Với miếng dán một bên mắt, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng hàng chục lãnh đạo quốc tế đã khởi động Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) tại New Delhi ngày 9-9.

1 Thu Tuong Duc Tuoi Cuoi Voi Hinh Anh Doc Nhan O An Do G20 Khoi Dong

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (bên trái) được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đón trước lúc khai mạc Thượng đỉnh G20 tại New Delhi ngày 9-9 - Ảnh: REUTERS

Tại trung tâm hội nghị hiện đại Bharat Mandapam mới khai trương ở New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tiếp đón và chụp ảnh với dàn lãnh đạo quốc tế dự G20 năm nay, diễn ra trong hai ngày 9 và 10-9. Đây là sự kiện ngoại giao hoành tráng nhất, quy tụ đông đảo lãnh đạo thế giới nhất của Ấn Độ trong 40 năm qua.

G20 thảo luận giải pháp toàn cầu

Đài Al-Jazeera gọi G20 ở Ấn Độ là "World Cup Ngoại giao", nơi các nền kinh tế lớn có dịp chia sẻ góc nhìn và đề ra giải pháp trước các khó khăn và nhu cầu phát triển hiện nay.

Thủ tướng Đức Scholz có lẽ là người mang tới hình ảnh lạ lẫm nhất với một miếng dán bên mắt phải. Ông đã buộc phải mang phong cách "độc nhãn" này do gặp tai nạn trong lúc chạy bộ ở Đức hồi tuần trước.

Năm nay, G20 không có sự hiện diện của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thủ tướng Lý Cường đã thay ông Tập dự họp.

Trong số các lãnh đạo tới New Delhi, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres là những người tới sớm từ hôm 8-9.

2 Thu Tuong Duc Tuoi Cuoi Voi Hinh Anh Doc Nhan O An Do G20 Khoi Dong

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự G20 ngày 9-9 - Ảnh: REUTERS

"Thế kỷ 21 là thời đại mang tới cho thế giới một hướng đi mới. Các thách thức mới đang đòi hỏi giải pháp mới từ chúng ta, và đó là lý do chúng ta phải tiến lên trong lúc thể hiện trách nhiệm đầy đủ với một cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm", Thủ tướng Ấn Độ Modi nói trong phát biểu khai mạc.

Quy mô tổ chức hội nghị hoành tráng của Ấn Độ cũng là điểm cộng, hy vọng bù lại một số khác biệt giữa các nước đối với nhiều vấn đề nóng hiện nay như khó khăn kinh tế, an ninh lương thực, năng lượng, xung đột Ukraine, và cạnh tranh địa chính trị.

"Vai trò chủ tịch G20 của Ấn Độ trở thành biểu tượng cho sự hòa nhập, của sự đoàn kết cả trong và ngoài nước. Đây trở thành một G20 của nhân dân tại Ấn Độ. Hàng chục triệu người Ấn đang kết nối với sự kiện này. Tại hơn 60 thành phố trên cả nước, có hơn 200 cuộc họp đã diễn ra", Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói.

Trong bài phát biểu của mình, ông Modi cũng đã dành lời chia buồn tới nạn nhân vụ động đất vừa xảy ra tại Morocco.

G20 đoàn kết và rộng mở

G20 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang cần những nhu cầu hợp tác mới, nhưng đồng thời cũng tìm giải pháp dung hòa các mối quan hệ hợp tác giữa bối cảnh cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt.

Một số ý kiến cho rằng các sáng kiến hợp tác mới hiện nay cũng góp phần khiến chính G20 cũng phải thay đổi để đáp ứng. Lấy ví dụ, Trung Quốc được cho đã tìm kiếm khuôn khổ hợp tác đa phương phù hợp hơn với định hướng phát triển của nước này.

Một trong những ưu tiên của Bắc Kinh là khối BRICS, nhóm các nền kinh tế gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, vốn vừa thể hiện ý định mở rộng, kết nạp thêm thành viên.

Hôm 9-9, Thủ tướng Ấn Độ Modi cũng đã mời Liên minh châu Phi chính thức tham gia G20.

3 Thu Tuong Duc Tuoi Cuoi Voi Hinh Anh Doc Nhan O An Do G20 Khoi Dong

Tổng thống Nigeria Bola Ahmed Tinubu (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Modi - Ảnh: REUTERS

"Với tinh thần đoàn kết, Ấn Độ đã đề xuất việc đưa Liên minh châu Phi vào làm thành viên thường trực của G20. Tôi tin rằng tất cả chúng ta sẽ đồng ý với đề xuất này", lãnh đạo Ấn Độ khẳng định.

"Với sự chấp thuận của mọi người, tôi đề nghị lãnh đạo AU giữ tư cách thành viên thường trực G20", ông nói thêm.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC