Ngày 27/6, cựu Giám đốc điều hành (CEO) công ty sản xuất ô tô Audi AG Rupert Stadler đã bị toà án Munich tuyên 1 năm 9 tháng tù hưởng án treo và phải nộp phạt 1,1 triệu euro (1,2 triệu USD) với tội danh gian lận và lừa dối trong vụ bê bối khí thải liên quan các dòng xe của hãng này.

1 Toa An Duc Ket An Cuu Ceo Audi Lien Quan Be Boi Gian Lan Khi Thai

Foto: Cựu Giám đốc điều hành công ty sản xuất ô tô Audi AG Rupert Stadler đã bị kết án 1 năm 9 tháng tù. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên tại Đức, trong gần 3 năm qua, Tòa án Munich đã cố gắng làm sáng tỏ vụ bê bối động cơ diesel gây chấn động ngành công nghiệp ô tô vào năm 2015. Bản án của toà ngày 27/6 kết tội gian lận đối với ông Stadler sau khi cựu lãnh đạo 60 tuổi này của Audi thừa nhận ông ngừng bán ô tô gian lận giá trị khí thải ở châu Âu quá muộn sau vụ bê bối xảy ra ở Mỹ năm 2015.

Theo bản án, trước những dấu hiệu của thủ đoạn gian lận khí thải ở châu Âu, với tư cách là Giám đốc điều hành, lẽ ra ông Stadler phải thận trọng hơn, nhanh chóng làm rõ và can thiệp kịp thời. Trước khi thú nhận trước toà về cáo buộc "lửa đảo bằng cách phớt lờ", ông luôn tuyên bố bản thân vô tội trước các cáo buộc.

Ông Stadler, cựu CEO Audi AG và là thành viên Hội đồng quản trị Volkswagen, bị bắt vào tháng 6/2018 do liên quan đến vụ bê bối khí thải tại Audi. Theo cáo trạng, ông Stadler bị cáo buộc "đã biết về các gian lận từ cuối tháng 9/2015 nhưng vẫn cho bán các dòng xe gian lận khí thải của Audi và Volkswagen ra thị trường".

Số xe gian lận khí thải được bán ra thị trường bao gồm 250.712 xe Audi, 71.577 xe Volkswagen và 112.131 xe Porsche. Những chiếc xe này được bán tại nhiều thị trường, trong đó có Mỹ và châu Âu. Volkswagen đã thừa nhận sử dụng các phần mềm để giúp các xe ôtô chạy bằng động cơ diesel phát thải quá mức quy định vượt qua các bài kiểm tra chất lượng khí thải mà không bị phát hiện. Vụ bê bối này được cho đã gây thiệt hại cho Volkswagen khoảng 30 tỷ euro (khoảng 33,5 tỷ USD).

Phiên tòa xét xử ông Stadler bắt đầu vào ngày 30/9/2020. Mãi tới đầu tháng 5/2023, ông Stadler mới nhận tội theo một thỏa thuận dàn xếp với tòa án để tránh mức án phạt nặng.

Các hãng cài phần mềm khí thải trái phép vào ôtô phải bồi thường

 Theo phán quyết của BGH, các chủ sở hữu xe chạy bằng diesel có cài đặt phần mềm khí thải trái phép sẽ được bồi thường nếu xe của họ có nguy cơ không được lưu hành, được bồi thường từ 5-15% giá của xe.

Ngày 26/6, Tòa án Công lý Liên bang Đức (BGH) đã ra phán quyết mở đường cho các vụ kiện đòi bồi thường đối với những nhà sản xuất ôtô đã cài đặt phần mềm trái phép vào xe, khiến việc lọc khí thải gây ô nhiễm bị ngừng hoạt động khi ở một số nhiệt độ nhất định.

Các thẩm phán Đức đã yêu cầu các nguyên đơn chứng minh các nhà sản xuất ôtô cố tình gây tổn hại tới người tiêu dùng.

Theo phán quyết của BGH, các chủ sở hữu xe chạy bằng diesel có cài đặt chương trình trên sẽ được bồi thường nếu xe của họ có nguy cơ không được lưu hành. Họ sẽ được bồi thường từ 5-15% giá của chiếc xe.

Các vụ kiện này có thể khiến Volkswagen, Mercedes-Benz và một số hãng xe khác tổn thất đáng kể.

Luật sư Claus Goldenstein đại diện cho khoảng 50.000 nguyên đơn trong vụ việc, nhấn mạnh phán quyết của BGH sẽ giúp bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người tiêu dùng tại châu Âu.

Phần mềm trên làm giảm hoặc thậm chí khiến bộ lọc hoàn toàn ngừng hoạt động khi nhiệt độ dưới 15 độ C và cao hơn 33 độ C. Các hãng xe cho rằng phần mềm giúp bảo vệ động cơ dù điều này khiến ôtô gây ô nhiễm nhiều hơn.

Vào tháng 3, Tòa án Công lý Liên minh châu Âu (ECJ) nêu rõ người tiêu dùng có quyền được bồi thường nếu xe của họ có cài đặt phần mềm trái phép này. Trên cơ sở đó, các tòa án Đức có thể tự quyết định mức bồi thường.

Phần mềm trên khác với vụ bê bối năm 2015, khi Volkswagen thừa nhận cài đặt các thiết bị gian lận trên hàng triệu xe chạy bằng diesel nhằm vượt qua các cuộc kiểm tra khí thải.

Theo các nhà quản lý, phần mềm đó được sử dụng để phát hiện thời điểm nào xe bị kiểm tra lượng khí thải. Xe sẽ bật hết công suất hệ thống kiểm soát khí thải mỗi khi bị kiểm tra, nhưng lại tự động tắt đi khi xe chạy trong điều kiện bình thường.

Do vậy, xe sẽ thải ra lượng khí thải quá hạn mức cho phép theo quy định. Vụ gian lận khí thải của Volkswagen được ví như một "cơn địa chấn" lớn, làm chấn động ngành xe hơi của Đức và khiến tập đoàn này phải trả giá đắt cả về tiền lẫn danh tiếng./.

Đặng Ánh, Mạnh Hùng (TTXVN)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC