Sau 7 năm lập kế hoạch, cấp phép và xây dựng, 2 tuabin gió mới nhất của Matthias Frauen cuối cùng đã quay vào những ngày cuối năm 2022.

1 Tray Trat Lam Dien Gio O Duc

Dự án của ông đã phải trải qua quá trình rất dài, nếu so với dự án năng lượng khác chỉ cách đó 96 km dọc theo bờ Biển Bắc. Đó là kho cảng khí hóa lỏng (LNG) đầu tiên mà Đức lắp đặt gần đây, chỉ mất tổng cộng 10 tháng để đi vào vận hành.

“Mọi việc diễn ra cực kỳ nhanh chóng”, Frauen nói về các thủ tục giúp Đức thay thế khí đốt từng mua qua đường ống từ Nga bằng nguồn cung LNG nhập từ các nước như Mỹ, Qatar.

Quan điểm rằng xung đột Nga – Ukraine sẽ khiến điện gió ở Đức phất lên được cho là sai lầm, vì rào cản thủ tục và chi phí.

Nhưng năng lượng gió thì vẫn rất ì ạch.

Tình trạng này không được cải thiện nhiều, bất chấp các chính sách năng lượng đã thay đổi kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra và Đảng Xanh (đảng phái theo đuổi các nguyên tắc của chính trị xanh tại Đức) cùng chính phủ Đức đặt ra những mục tiêu lớn về năng lượng tái tạo.

Ngoài các thủ tục phức tạp, chi phí sản xuất tuabin gió tăng khoảng 40% cũng khiến việc đảm bảo tài chính cho các dự án mới bất khả thi. Trên khắp châu Âu, các công ty sản xuất tuabin gió đã lỗ hàng tỷ USD và buộc phải cắt giảm việc làm.

Mirko Moser-Abt, Giám đốc chính sách Hiệp hội năng lượng gió Đức BWE cho biết quan điểm điện gió đang hưởng lợi từ xung đột Ukraine là “sai lầm”. “Ngay cả khi nó mang lại tầm nhìn mới về năng lượng tái tạo ở cấp độ chính sách, việc phát triển cũng có thể gặp vấn đề về gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng chi phí”, vị này cho biết.

Khi không có đủ số hồ sơ dự thầu cho các dự án điện gió trên đất liền vào tháng 12, chính phủ Đức gần đây đã tăng giá mua điện cho ngành này, với hy vọng sẽ khuyến khích các ngân hàng cho vay dự án. Nhưng các chuyên gia cho rằng Đức vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn đạt được các mục tiêu.

Khi lên nắm quyền cách đây một năm, chính phủ Đức (bao gồm Đảng Xanh với tư cách là thành viên liên minh) đã đưa ra gói lập pháp với tham vọng chưa từng có về năng lượng tái tạo. Trong kế hoạch đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck – một chính trị gia của Đảng Xanh, công bố kế hoạch dành 2% diện tích đất nước làm điện gió.

Xung đột Ukraine sau đó lại càng thúc đẩy tham vọng xanh của chính phủ. Liên minh đặt mục tiêu có 80% nguồn cung năng lượng từ gió và mặt trời vào năm 2030, tăng từ 47% năm ngoái. Nhưng để đạt được, các chuyên gia cho rằng Đức sẽ cần bổ sung khoảng 1.500 tuabin gió mỗi năm. Đây là công việc đầy thách thức trong điều kiện hiện tại. “Trong 8 năm, chúng ta phải xây dựng nhiều hơn những gì chúng ta có trong 22 năm qua. Điều này quá tham vọng”, Moser-Abt nói.

Bang Schleswig-Holstein ở phía bắc – nơi hai tuabin mới của Frauen bắt đầu hoạt động – được coi là điểm sáng. Khu vực này đã sản xuất 160% điện năng từ năng lượng tái tạo. Nhưng những bang khác thì đang tụt lại rất xa.

2 Tray Trat Lam Dien Gio O Duc

Và ngay cả ở phía bắc, quá trình phát triển dự án cũng trở nên phức tạp hơn trong những năm qua. Frauen cho biết việc lập kế hoạch cho một tuabin gió cần các thủ tục giấy tờ với khoảng 50 cơ quan khác nhau. Mỗi cơ quan đều có nguy cơ chậm trễ.

Theo báo cáo của Agora Energiewende, tổ chức tư vấn chuyên theo dõi quá trình chuyển đổi năng lượng của Đức, 2021 là năm kỷ lục về sản xuất năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, điều đó phần lớn “liên quan đến thời tiết”, chứ không phải do mở rộng cơ cấu.

Lượng phát thải carbon của Đức năm ngoái cũng không thay đổi, dù tiêu thụ năng lượng giảm. Nguyên nhân là chính phủ đã cho khởi động các nhà máy điện than để bù đắp phần thiếu hụt do khí đốt của Nga.

Agora cảnh báo thách thức trong việc mở rộng năng lượng tái tạo của Đức đang nhiều lên. “Khủng hoảng phát triển năng lượng gió vẫn tiếp diễn. Chính phủ phải quyết định ngay bây giờ và nhanh chóng cải thiện”, Simon Müller – Giám đốc tại Đức của Agora cho biết.

Chính phủ đã cam kết tăng tốc độ cấp phép. Liên minh Châu Âu cũng đang đưa ra thời hạn 2 năm để phê duyệt giấy phép mới trong lĩnh vực này. Nhưng trong hệ thống nhà nước liên bang phi tập trung của Đức, việc thực hiện cũng là một thách thức.

Ngành công nghiệp điện gió muốn đẩy nhanh tiến độ, giống những gì đang xảy ra với LNG. Dự án LNG tại Wilhelmshaven là một trong 3 dự án sẽ được hoàn thành vào đầu năm nay. Moser-Abt nói họ rất “ghen tỵ” với tốc độ xây dựng kho cảng LNG. “Chúng ta cần xem xét tốc độ làm điện gió nhanh như LNG”, ông nói.

“Các chính phủ nhận ra họ không thể đạt được các mục tiêu rất tham vọng nếu không đơn giản hóa thủ tục. Đức biết họ cần làm gì, chỉ là họ chưa thực hiện tất cả mà thôi”, Giles Dickson, Giám đốc điều hành WindEurope, đại diện cho 400 công ty điện gió, cho biết.

Frauen chỉ có thể tham gia đấu thầu để phát triển một tuabin mới vào năm ngoái, nhờ đã mua vật liệu trước khi xung đột Ukraine nổ ra và khiến giá cả tăng vọt. Nếu không, ông sẽ không thuyết phục được các ngân hàng rằng dự án có thể sinh lời. Việc chính phủ Đức tăng giá mua điện gió mới đây được xem là mang lại hy vọng. Moser-Abt cho biết giờ đây nhiều dự án đã khả thi về mặt tài chính.

Tuy nhiên, điều này vẫn chưa giúp được gì nhiều cho các nhà sản xuất vì họ đang phải vật lộn với chi phí cao. Vào tháng 6, Nordex đã phải ngừng sản xuất cánh quạt ở thành phố Rostock, miền bắc nước Đức.

Một số đã kêu gọi trợ cấp. “Chúng tôi không muốn chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga để chuyển sang sự phụ thuộc mới vào tuabin gió của Trung Quốc”, Dickson nói.

Chi phí cao cũng ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác. Năm ngoái, thị trấn Heide đã được công ty khởi nghiệp Northvolt (Thụy Điển) chọn làm địa điểm xây dựng một nhà máy mới cho pin lithium-ion “bền vững”. Công ty cho biết nhà máy sẽ chạy một phần bằng năng lượng gió được tạo ra tại địa phương và sử dụng 3.000 lao động.

Tuy nhiên, khi chi phí năng lượng ngày càng tăng và Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ hấp dẫn doanh nghiệp, công ty này lại đang xem xét đầu tư tại Mỹ. Frauen nói đó là một sự thất vọng.

Nhưng dù sao, cuộc chiến ở Ukraine cũng đã mang lại một số thay đổi cơ bản về thái độ với điện gió. Ngay cả ở bang miền nam Bavaria của Đức, một trong những nơi ít sử dụng năng lượng gió nhất, các rào cản pháp lý đối với các dự án mới cũng đang được nới lỏng.

“Người dân ở cấp địa phương giờ còn yêu cầu các ủy viên hội đồng xây dựng các trang trại gió. Thái độ đã thực sự thay đổi rất nhiều”, Moser-Abt cho biết.

Nguồn: VnExpress




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC