Özil chụp ảnh cùng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã gây ra tranh cãi. (Nguồn: Evening Standard)
Trong bức tâm thư được đăng trên mạng xã hội để giải thích lý do chia tay đội tuyển, Özil đã bày tỏ chính kiến của mình về nhiều vấn đề, trong đó có mối quan hệ bị xem là nhạy cảm giữa anh với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.
VietnamPlus xin trích đăng bản dịch tâm thư này, qua sự cộng tác của Hội cổ động viên Đức tại Việt Nam.
Phần 1: Cuộc gặp gỡ với Tổng thống Erdogan
Những tuần qua đã cho tôi thời gian để suy nghĩ kĩ hơn về những sự việc đã xảy ra trong những tháng vừa rồi. Vì thế tôi muốn chia sẻ những cảm xúc và suy nghĩ của mình về những gì đã xảy ra.
Như nhiều người khác, tổ tiên tôi có nguồn gốc đến từ nhiều hơn một đất nước. Trong khi tôi lớn lên ở Đức, gia đình tôi là chính gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi có 2 trái tim, một thuộc về Đức và một trao cho Thổ Nhĩ Kỳ. Suốt thời thơ ấu, mẹ luôn dạy tôi phải biết tôn trọng và không bao giờ được quên nguồn cội của mình, đây cũng là những giá trị mà tôi luôn ghi nhớ cho đến ngày hôm nay.
Vào tháng Năm vừa rồi, tôi đã gặp Tổng thống Erdogan ở London trong một sự kiện giáo dục và từ thiện. Chúng tôi gặp gỡ lần đầu tiên hồi năm 2010 sau khi ông ấy cùng thủ tướng Angela Merkel xem trận Đức gặp Thổ Nhĩ Kỳ tại Berlin. Kể từ đó, chúng tôi hay tình cờ gặp nhau nhiều lần trên thế giới.
Tôi ý thức rằng tấm ảnh đó đã khiến truyền thông Đức dậy sóng, và trong khi nhiều người buộc tội tôi đã nói dối và lừa gạt, thì bức ảnh chúng tôi chụp không có mục đích chính trị nào cả. Như tôi đã nói, mẹ tôi không bao giờ cho phép tôi quên đi nguồn cội, di sản và truyền thống gia đình. Đối với tôi, chụp một bức ảnh với ông Erdogan không liên quan gì tới chính trị hay cuộc bầu cử, đó chỉ thể hiện sự tôn trọng của tôi đối với một người đứng đầu đất nước quê hương gia đình mình.
Tôi là một cầu thủ chứ không phải một chính trị gia, cuộc gặp gỡ của chúng tôi càng không phải là hành động ủng hộ bất kỳ một chính sách nào cả. Thực tế là chúng tôi đã nói về cùng một chủ đề mà chúng tôi từng thảo luận ở những lần gặp trước, đó là bóng đá, bởi ông ấy cũng từng chơi bóng lúc còn trẻ.
Mặc dù truyền thông Đức đã vẽ ra một bức tranh rất khác, thì nếu từ chối gặp Tổng thống là một sự bất kính đối với cội nguồn tổ tiên tôi, những người luôn tự hào về thành công của tôi. Với tôi, không quan trọng Tổng thống là ai, mà quan trọng đó chính là một vị Tổng thống. Tôn trọng quan chức chính phủ là quan điểm mà tôi tin tin chắc rằng Nữ hoàng và Thủ tướng Theresa May cũng đồng tình khi họ tiếp đón ông Erdogan ở London. Dù đó là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hay Tổng thống Đức, hành động của tôi vẫn sẽ không thay đổi.
Tôi biết rằng điều này có thể khó mà thấu hiểu, bởi trong đa số các nền văn hoá, các nhà lãnh đạo chính trị không thể được nhìn nhận riêng biệt như một cá nhân độc lập. Nhưng trong trường hợp này thì khác. Bất kể kết quả cuộc bầu cử trước đó có như thế nào, hay kể cả cuộc bầu cử trước nữa, thì tôi vẫn chụp tấm hình đó.
Phần 2: Truyền thông và nhà tài trợ
Tôi biết mình là một cầu thủ thi đấu ở ba giải vô địch quốc gia mà mọi người cho rằng là khắc nghiệt nhất trên thế giới. Tôi may mắn nhận được sự ủng hộ lớn từ đội ngũ huấn luyện và các đồng đội khi chơi ở Bundesliga, La Liga và Premier League. Thêm vào đó, xuyên suốt sự nghiệp của mình, tôi đã học cách để đối mặt với truyền thông.
Nhiều người bàn tán về màn trình diễn của tôi - số thì khen ngợi số khác thì chỉ trích. Nếu một tờ báo hay một chuyên gia tìm được sai lầm trong trận đấu tôi chơi, thì tôi sẽ chấp nhận điều đó - tôi không phải một cầu thủ hoàn hảo và điều đó cũng là động lực thúc đẩy tôi phải tập luyện chăm chỉ hơn nữa. Nhưng điều tôi không thể chấp nhận, là có phải truyền thông Đức cứ liên tục đổ lỗi cho việc tôi mang hai dòng máu và lấy một bức ảnh đơn giản ra làm lí do cho một kỳ World Cup tệ hại của cả đội vừa qua.
Điều làm tôi thất vọng nữa chính là tiêu chuẩn kép của giới truyền thông. Lothar Matthaus (đội trưởng danh dự của tuyển Đức) đã gặp gỡ một nhà chính trị khác cách đây vài ngày, nhưng gần như không hề bị chỉ trích. Mặc dù vai trò của Lothar Matthaus đối với DFB (Liên đoàn bóng đá Đức), họ không yêu cầu ông ấy phải giải thích hành động ấy trước công chúng. Và ông ấy tiếp tục đại diện cho những cầu thủ Đức mà không phải nhận bất kỳ lời khiển trách nào.
Nếu truyền thông cho rằng tôi nên rời khỏi đội hình tham dự World Cup, thì ông ấy cũng nên bị tước bỏ băng đội trưởng danh dự mới phải? Phải chăng dòng máu Thổ Nhĩ Kỳ khiến tôi trở thành mục tiêu đáng tấn công hơn?
Ngoài ra, tôi cũng bị một nhà tài trợ khác hủy hợp tác. Họ cũng đồng thời là nhà tài trợ cho DFB, tôi được yêu cầu quay một video quảng bá cho World Cup. Nhưng sau bức ảnh của tôi với tổng thống Erdogan, họ loại tôi khỏi chiến dịch đó và hủy toàn bộ hoạt động quảng bá đó. Đối với họ, việc gắn liền với hình ảnh của tôi không còn đem lại lợi ích và họ gọi đó là “giải quyết khủng hoảng.”
Một việc thật đáng mỉa mai vì chính phủ Đức đã kết luận sản phẩm của họ có những phần mềm không hợp pháp và không được cấp phép, điều đó gây ra nguy hiểm cho các khách hàng. Hàng ngàn sản phẩm của họ đã bị thu hồi. Trong khi tôi bị DFB liên đoàn bóng đá Đức chỉ trích và yêu cầu làm sáng tỏ vấn đề này trước công chúng, nhưng nhà tài trợ cuả DFB lại không phải làm những việc ấy. Tại sao? Tôi có đúng khi cho rằng việc này còn tồi tệ hơn việc chụp ảnh với một vị tổng thống của quê hương tôi? DFB nói gì về tất cả những việc này?
Như tôi nói trước đó, “những nhà tài trợ” nên đồng hành với bạn trong mọi trường hợp. Adidas, Beats, BigShoe đã rất trung thành và tuyệt vời khi vẫn đồng hành cùng tôi trong khoảng thời gian này. Họ không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những thứ vô nghĩa trên báo chí và truyền thông Đức. Chúng tôi tiếp tục dự án với một thái độ chuyên nghiệp mà tôi thực sự rất vui khi được là một phần của dự án đó.
Trong suốt World Cup, tôi đã làm việc với BigShoe và giúp 23 trẻ em thực hiện các cuộc phẫu thuật quan trọng ở Nga, điều mà tôi cũng đã từng làm ở Brazil và Nam Phi. Đó là việc quan trọng nhất mà tôi làm với tư cách một cầu thủ bóng đá nhưng báo chí không thể nhận ra được điều đó. Với họ, việc tôi bị la ó hay chụp ảnh với tổng thống đặc biệt quan trọng hơn việc giúp trẻ em phẫu thuật trên toàn thế giới. Họ cũng có phương tiện để thể tăng nhận thức và kêu gọi gây quỹ, nhưng không làm như thế.
Phần 3: Liên đoàn bóng đá Đức
Có lẽ vấn đề khiến tôi buồn bực nhất trong những tháng vừa qua là sự ngược đãi đến từ DFB, đặc biệt là chủ tịch DFB ông Reinhard Grindel. Sau bức ảnh chụp chung với ông Erdogan tôi đã được huấn luyện viên Joachim Loew yêu cầu rút ngắn kỳ nghỉ lễ và tới Berlin, cho ra một phát biểu chung để chấm dứt những cuộc tranh cãi và gỡ bỏ những hiểu lầm. Trong khi tôi cố gắng giải thích cho ông Grindel về cội nguồn, tổ tiên và lý do đằng sau tấm ảnh đó, ông ấy dường như hứng thú hơn nói về quan điểm chính trị của chính ông ta và hạ thấp quan điểm của tôi.
Khi mà những hành động của Grindel tỏ vẻ kẻ cả, chúng tôi đi đến quyết định chung rằng điều tốt nhất là hãy tập trung vào bóng đá và kỳ World Cup sắp tới. Đó là lý do tại sao tôi không đến dự Ngày truyền thông của DFB trong suốt quá trình chuẩn bị World Cup. Tôi thừa biết rằng những nhà báo bàn luận về chính trị và không phải bóng đá rồi sẽ công kích tôi, dù cho toàn bộ vấn đề có vẻ đã được Oliver Bierhoff giải quyết trong một cuộc phỏng vấn trên TV trước trận gặp Saudi Arabia ở Leverkusen.
Suốt thời gian ấy, tôi cũng có gặp Tổng thống Đức - ông Frank-Walter Steinmeier. Không như Grindel, Tổng thống Steinmeier chuyên nghiệp hơn và dĩ nhiên bày tỏ sự quan tâm khi tôi nói về gia đình, nguồn gốc và những quyết định của tôi. Tôi nhớ rằng buổi gặp gỡ đó chỉ có tôi, Ilkay và Tổng thống Steinmeier, với một Grindel khó chịu bởi vì ông ta không được phép nói về luận điệu chính trị của chính mình.
Tôi đồng ý với Tổng thống Steinmeier rằng chúng tôi nên đưa ra một tuyên bố chung cho vấn đề này, trong một nỗ lực khác để bước tiếp và tập trung vào bóng đá. Nhưng Grindel khó chịu rằng phát biểu đó không đến từ phía đội ngũ của ông ta, và bực bội khi bộ phận truyền thông của Steinmeier nắm chính vấn đề này.
Kể từ khi World Cup kết thúc, Grindel đã phải chịu nhiều áp lực bởi những quyết định của ông trước khi giải đấu bắt đầu, và đúng thật phải như thế. Gần đây, ông ta đã nói trước công chúng tôi nên giải thích cho hành động của mình và đổ lỗi hết cho tôi về kết quả tệ hại ở Nga, mặc dù trước đó đã nói với tôi rằng mọi chuyện đã chấm dứt ở Berlin. Những gì tôi đang nói bây giờ không phải dành cho Grindel, mà vì tôi muốn như thế. Tôi sẽ không chịu đựng để làm vật tế cho sự vô dụng và bất tài của ông ta nữa.
Tôi biết ông ta muốn tôi ra khỏi đội tuyển sau bức ảnh đó, và công khai quan điểm của ông ấy trên Twitter mà không suy nghĩ hay cân nhắc, nhưng Joachim Loew và Oliver Bierhoff đã đứng lên vì tôi và ủng hộ cho tôi. Trong mắt Grindel và những người ủng hộ ông ấy, tôi là một người Đức khi thắng trận, nhưng chỉ là một kẻ nhập cư khi thua cuộc. Bởi vì, mặc dù trả thuế đầy đủ, quyên góp cơ sở vật chất cho các trường học ở Đức và chiến thắng World Cup năm 2014, tôi vẫn không được chấp nhận trong xã hội. Tôi bị đối xử khác biệt.
Tôi đã nhận giải Bambi Award như một minh chứng cho việc hòa nhập thành công vào xã hội Đức, tôi đã nhận Silver Laurel Leaf năm 2014 từ Cộng hòa Liên bang Đức, và tôi còn là đại sứ bóng đá Đức năm 2015. Nhưng rõ ràng, tôi không phải người Đức? Có tiêu chuẩn nào để làm người Đức toàn diện mà tôi không phù hợp chăng?
Lukas Podolski và Miroslav Klose bạn tôi chưa bao giờ bị gọi là dân Đức-Ba Lan, vậy tại sao tôi bị gọi là Đức-Thổ? Có phải đó là vì Thổ Nhĩ Kỳ? Vì tôi theo đạo Hồi? Điều này đã làm xuất hiện một vấn đề quan trọng. Bằng việc bị gọi là người Đức-Thổ, đã phân biệt người có gia đình đến từ nhiều hơn một quốc gia. Tôi được sinh ra và giáo dục ở Đức, vậy tại sao mọi người không chấp nhận tôi là một người Đức?
Nguồn: Vietnam+