“Chân rết” Trung Quốc nhiều lần liên lạc với một nghị sĩ đảng bảo thủ Đức trong hè 2016, gợi ý dùng tiền đổi lấy chuyên môn và thông tin nội bộ quốc hội nước này.

Tờ báo Đức Sueddeutsche Zeitung đưa tin cơ quan tình báo nước này Bfv đã cảnh báo vị nghị sĩ nói trên không lâu trước khi ông tới Trung Quốc, rằng cơ quan này cho rằng tổ chức đứng đằng sau giật dây các “chân rết” trên chính là tình báo Trung Quốc. Danh tính vị nghị sĩ vẫn chưa được xác định, theo Reuters.

Cũng theo tờ Sueddeutsche Zeitung, trong trường hợp thứ hai, nhân viên của một nghị sĩ khác được trả 10.000 euro (khoảng 269 triệu đồng) đổi lấy thông tin.

Người nhân viên này sau đó cũng tới Trung Quốc.

Cơ quan tình báo nước ngoài của Đức, BND, ước tính Trung Quốc có hơn 1 triệu đặc vụ hoặc công nhân đang làm việc tại nước này.

Trung Quốc mua chuộc nghị sĩ Đức làm gián điệp? - 0

Đại sứ Quán Trung Quốc tại Berlin, Đức. (Ảnh: Twitter)

Tin tức trên của tờ Sueddeutsche Zeitung xuất hiện trong bối cảnh Bắc Kinh đang kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cùng ra tuyên bố chung phản lại chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra vào cuối tháng này, cũng như để thúc đẩy liên minh với EU.

Bắc Kinh cũng đề nghị mở rộng thị trường thương mại Đại Lục cho EU như một cử chỉ thiện chí, nhưng đông thái đó cũng phản ánh rõ mức độ lo ngại của nước này trước cuộc chiến thương mại với Mỹ, khi ông Trump dự kiến sẽ đánh thuế lên hàng tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu Trung Quốc từ ngày 7/6.

Châu Âu, vì muốn bảo tồn quan hệ lịch sử gần gũi với Hoa Kỳ, đã bác bỏ các đề xuất từ phía Trung Quốc. EU cũng đang xem xét thông qua luật mới, điều chỉnh tăng cường thẩm định các thương vụ mua lại doanh nghiệp châu Âu của Trung Quốc.

Vào tháng Tư, ông Hans-Georg Maassen, người đứng đầu Bfv, kêu gọi cảnh giác trước các động thái của Trung Quốc muốn đầu tư hoặc hoặc thâu tóm công ty công nghệ cao của Đức, cảnh báo khả năng đánh mất công nghệ chủ chốt có thể phương hại nền kinh tế Đức.

Cơ quan này năm ngoái từng nói tình báo Trung Quốc dùng hồ sơ giả trên các trang mạng xã hội như LinkedIn để thu thập thông tin cá nhân về giới chức và chính giới Đức.

 

Nguồn: ZING.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC