Các chuyên gia cho rằng dù Turkmenistan hoàn thành đường ống khí đốt dẫn dầu đến biển Caspi nhưng châu Âu sẽ khó lòng giảm lệ thuộc vào Nga.  

Turkmenistan hoàn thành đường ống khí đốt dẫn khí tới biển Caspi

Ngày 26/12, Chính phủ Turkmenistan cho biết nước này đã hoàn thành đường ống khí đốt trị giá 2,5 tỷ USD dẫn khí từ các mỏ ở miền đông Turkmenistan tới biển Caspi - điều sẽ giúp châu Âu có thêm lựa chọn trong việc tăng cường an ninh năng lượng.

Đường ống dẫn khí dài gần 800 km trên sẽ giúp kết nối Turkmenistan (quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn thứ tư thế giới) với các thị trường phương Tây, thông qua một đường ống dẫn khí đầy tham vọng đi qua biển Caspi.

Turkmenistan làm xong đường ống giúp châu Âu giảm lệ thuộc Nga? - 0 Bản đồ dự kiến của tuyến đường ống qua biển Caspi, nối Turkmenistan với thị trường châu Âu. Ảnh: presstv.ir

 

Tổng thống Turkmenistan, Gurbanguly Berdymukhamedov nhận định, với việc hoàn thành đường ống dẫn khí Đông-Tây, quan hệ giữa Turkmenistan với các đối tác châu Âu đạt được một bước tiến mới về chất.

Thực tế thì từ tháng 12/2009, Turkmenistan đã bắt đầu xuất khẩu khí đốt qua đường ống “Turkmenistan – Uzbekistan – Kazakhstan – Trung Quốc” với công suất đạt 30 tỷ mét khối nhiên liệu.

Để thực hiện tham vọng vươn ra khu vực châu Âu, từ tháng 6/2010 Turkmenistan đã bắt đầu xây dựng đường ống dẫn khí đốt Đông – Tây, đường ống được thiết kế nhằm nối các mỏ khí đốt từ miền Đông Bắc của nước này tới vùng duyên hải Caspi. Tuyến đường ống dẫn khí đốt Đông – Tây sẽ có công suất hàng năm là 30 tỷ mét khối khí đốt.

Châu Âu sẽ giảm lệ thuộc Nga khi nhận dầu từ Turkmenistan?

Các chuyên gia cho rằng, việc Turkmenistan hoàn thành đường ống khí đốt dẫn khí từ các mỏ ở miền đông Turkmenistan tới biển Caspi có thể giúp cho các nước châu Âu có thêm lựa chọn về nguồn cung khí đốt nhưng về lâu dài khó lòng có thể xóa bỏ được ảnh hưởng của Moskva tại khu vực này.

Thực tế thì Nga hiện đang là thị trường cung cấp chính nguồn khí đốt cho các nước khu vực Tây Âu. Dù dự án dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ và dòng chảy Phương Nam đã tạm ngừng nhưng hiện Moskva vẫn đang cung cấp khoảng 1/3 nhu cầu khí đốt ở đây.

Thời gian gần đây, nhằm giảm lệ thuộc vào Nga và để tạo thế chủ động trên bàn đàm phán, các nước phương Tây đã ra sức tìm kiếm các thị trường mới thay thế Moskva, trong đó có Iran.

Turkmenistan làm xong đường ống giúp châu Âu giảm lệ thuộc Nga? - 1 Nga vẫn là nhà cung cấp chính về khí đốt cho các nước Tây Âu.

 

Tuy nhiên ý đồ này đã gặp phải trở ngại lớn nhất chính là Nga. Bởi lẽ Tehran có thể coi như một đồng minh của điện Kremlin, tương tự như Syria và nhận được nhiều sự hỗ trợ về mặt quân sự, quốc phòng, kinh tế. Hơn nữa Iran hiện nay cũng chưa thật sự sẵn sàng để cung cấp khí đốt sang châu Âu một cách nhanh chóng và với số lượng lớn vì  cơ sở hạ tầng lớn chưa đáp ứng được.

Trong khi các nước châu Âu đang lúng túng trong việc tìm kiếm thị trường khí đốt mới thì Moskva tiếp tục gia tăng thêm ảnh hưởng tại khu vực này. 

Ngày 4/9 vừa qua, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã ký thỏa thuận quan hệ cổ đông với các tập đoàn BASF (Đức), E.ON, Engie (Pháp), OMV (Áo) và Shell (Anh-Hà Lan) để xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 nhằm tăng cường nguồn cung khí đốt cho thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Theo thiết kế, Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ bao gồm 2 nhánh với tổng công suất 55 tỷ mét khối/năm, chạy từ Nga sang Đức dưới đáy biển Baltic.

Rõ ràng, Moskva đã có một sự tính toán kỹ lưỡng và chuẩn bị lâu dài trong các kế hoạch cung cấp dầu, khí đốt tại Tây Âu. Việc ngăn ngừa ảnh hưởng của Nga và tìm kiếm một thị trường mới sẽ không hề dễ dàng với EU trong thời điểm này.  

Tuấn Hùng (Tổng hợp)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC