Việc EU quyết định tiếp tục cấm vận Nga được Ukraine tôn vinh sau khi hụt hẫng vì Thổ Nhĩ Kỳ nối lại quan hệ với Moscow.

 

Mới đây Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố tại TP Odessa khi được đề nghị bình luận về việc EU quyết định kéo dài các lệnh cấm vận chống Nga rằng đây là “sự đoàn kết không thay đổi của EU với Ukraine”.

“Điều đó (tức việc kéo dài các lệnh cấm vận chống Nga) là động lực mạnh mẽ để buộc người Nga phải ngồi vào bàn đàm phán và thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết.

Trước hết là thực hiện các vấn đề về an ninh trong thỏa thuận này như ngừng bắn, rút pháo binh và các loại vũ khí hạng nặng khỏi khu vực tác chiến, trả tự do cho tù binh và đảm bảo quyền tiếp cận không giới hạn của các lực lượng thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đến tất cả các khu vực lãnh thổ do Nga đang chiếm đóng (ở Donbass).

Chúng tôi sẽ theo đuổi mục đích này và hy vọng rằng chúng tôi sẽ đạt được mục đích đặt ra”- ông Proshenko tuyên bố.

Ukraine đắc thắng sau khi EU gia hạn cấm vận Nga - 0

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vui mừng vì EU gia hạn trừng phạt Nga.

Vị Tổng thống Poroshenko cũng khẳng định có được thành công từ việc EU tiếp tục gia hạn lệnh cấm vận đối với Nga là do sự nỗ lực không nhỏ của các nhà ngoại giao nước này.

“Hoạt động ngoại giao của chúng tôi trong những ngày qua là hết sức tích cực: các chuyến đi đến Brussels, Paris, các cuộc đàm phán với Berlin và các cuộc đàm phán đầy tích cực với tất cả các quốc gia thành viên EU đã đem lại những kết quả hoàn toàn trái ngược so với suy nghĩ của nhừng người bi quan”- trang facebook cá nhân của Poroshenko có đoạn viết.

Vào ngày thứ Bảy vừa qua (2/7), tạp chí chính thức của EU đã cho đăng tải quyết định về việc kéo dài các lệnh cấm vận chống Nga của EU đến ngày 31/1/2017. Trước đó, Hội đồng EU cũng đã kéo dài các biện pháp hạn chế chống Nga.

Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng coi việc kéo dài các lệnh cấm vận này là các quyết định không có tầm nhìn dài hạn trong chính sách của EU.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố rằng hôm thứ Năm ông sẽ ký nghị quyết thực thi sắc lệnh của tổng thống về gia hạn các biện pháp đáp lại đối với EU. Tài liệu dự tính gia hạn tới ngày 31/12/ 2017 lệnh cấm nhập khẩu vào Nga hàng nông sản, nguyên liệu, thực phẩm, có xuất xứ từ Hoa Kỳ, EU, Canada, Úc, Anh, Na Uy, Ukraine, Albania, Montenegro, Iceland và Liechtenstein.

Đáp lại lệnh trừng phạt này của Nga, Bộ trưởng Thương mại Ukraine bà Natalia Mykolskaya khẳng định, Chính phủ Ukraine sẽ thảo luận về việc Nga gia hạn cấm vận thực phẩm cho tới cuối năm 2017.

"Câu trả lời sẽ là tương ứng", bà Natalia Mykolskaya tuyên bố.

Ukraine: "Cô dâu" bị Thổ Nhĩ Kỳ bỏ rơi

Dẫu vậy, việc gia hạn trừng phạt kinh tế Nga cũng là một tín hiệu vui hơn đối với Ukraine khi liên tiếp xảy ra các rắc rối quanh EU, Brexit và buồn hơn nữa là việc Thổ Nhĩ Kỳ "quay ngoắt" sang phía Nga để làm hòa.

Theo những thông tin do kênh truyền hình “Expreso” của Ukraine đưa ra, việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên tiếng xin lỗi Nga về sự vụ Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay tiêm kích Su-24 của Nga ngày 24/11/2015 đang khiến Ukraine hết sức lo ngại.

Giới phân tích Ukraine cho rằng quyết định khôi phục lại quan hệ với Moscow của Ankara là “sự phản bội khó chịu” đối với Kiev. Nhiều chuyên gia trong số này thậm chí còn cho rằng Erdogan đã “đánh đổi Ukraine lấy Nga” và so sánh Ukraine như là một “cô dâu bị bỏ rơi”.

Song, cũng có chuyên gia cho rằng, thực tế, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan rất ít khi nghĩ về Ukraine, cả khi đang xảy ra tranh cãi cũng như khi đang có mối quan hệ hữu hảo với Nga.

Chuyên gia phân tích chính trị Nikolai Dimlevich thuộc Quỹ Phát triển Công nghệ cao Nga cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ làm hòa và bắt tay lại với Nga như một hành động "bỏ rơi Ukraine".

Ukraine đắc thắng sau khi EU gia hạn cấm vận Nga - 1

Thời kỳ nồng ấm của quan hệ Ukraine - Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo ông Dimlevich, mục đích chính khiến ông Erdogan phải “hạ mình” xin lỗi Tổng thống Nga vì vụ Su-24 chủ yếu là để bảo vệ các lợi ích của cá nhân ông Erdogan cũng như vì các lợi ích riêng của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi đó Ukraine lại không đem lại nhiều lợi ích cho Thổ Nhĩ Kỳ.

“Nếu như nhìn tổng thể mối quan hệ giữa Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ trong một vài tháng trở lại đây thì có thể thấy, nền tảng trong cái gọi là mối quan hệ hữu hảo này chính là để chống Nga. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi nhanh chóng. Những dấu hiệu của Brexit (Anh rút khỏi EU) hiện đang tràn ngập khắp châu Âu.

Ông Erdogan hiểu rõ rằng EU đã và có thể sẽ “phớt lờ” mình nên đã buộc phải hành động. Và hiện nay, Ukraine đang thực sự bị sốc vì những gì đang xảy ra (trong mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga”, vị chuyên gia nhận định.

“Người Mỹ đang cố gắng vun đắp mối quan hệ hữu hảo giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine để chống lại Nga. Ngoài ra, mục đích của Mỹ trong phát triển mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Ukraine còn nhằm làm phá vỡ các kế hoạch của Nga về tiêu diệt lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria và buộc Nga phải rút khỏi Syria.

Ukraine cũng đã được ấn định cho một vai nhất định trong vở kịch này.

Cần phải nhớ rằng đã có rất nhiều thỏa thuận về củng cố quan hệ Ukraine-Thổ Nhĩ Kỳ đã được ký kết trong quá trình Tổng thống Ukraine Poroshenko đi thăm Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 3 và tháng 5 năm 2016. Tuy nhiên, hình hình hiện nay cho thấy toàn bộ kế hoạch này của Mỹ đã thất bại”- Nikolai Dimlevich phân tích.

Nikolai Dimlevich cũng cho rằng Washington rõ ràng không hài lòng với “cú chuyển mình” của Ankara và có thể sẽ thể hiện điều đó trong một vài ngày tới trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh NATO sẽ được tổ chức tại thủ đô Warsaw của Ba Lan.

“Hiện Kiev đang rất trông đợi vào vấn đề người Tatar ở Crimea và vấn đề cô lập Nga ở khu vực Biển Đen. Tuy nhiên, tất cả các tính toán này đã đổ bể”, Nikolai Dimlevich kết luận.

Đông Phong (Tổng hợp)

 

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC