Theo hiệp ước an ninh được Thủ tướng Olaf Scholz và Tổng thống Volodymyr Zelensky ký kết ngày 16/2, trong 10 năm, Đức sẽ hỗ trợ quân sự cho Ukraine và kiềm chế Nga bằng các biện pháp trừng phạt cũng như kiểm soát xuất khẩu, đảm bảo rằng tài sản của Nga vẫn bị phong tỏa.
Berlin cũng đã chuẩn bị một gói hỗ trợ tức thời trị giá 1,22 tỷ USD, tập trung vào phòng không và pháo binh
Thủ tướng Scholz đánh giá việc ký kết thỏa thuận là "một bước đi lịch sử". "Nó cho thấy rõ rằng Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong việc bảo vệ nước này trước chiến dịch của Nga", ông nói. "Và nếu trong tương lai Nga có một hành động gây hấn khác, chúng tôi đồng ý tiếp tục hỗ trợ chi tiết về ngoại giao, kinh tế và quân sự".
Tổng thống Zelensky cho hay khoản viện trợ này rất quan trọng vì nguồn cung cấp quân sự từ các đối tác khác đã giảm trong khi Nga có lợi thế về pháo binh ở tiền tuyến.
Volodymyr Zelenskyj thăm Berlin: Tổng thống Ukraine và Thủ tướng Olaf Scholz (cả hai phía trước) đã ký thỏa thuận an ninh chung.© Nguồn: IMAGO/Chris Emil Janßen
Tổng thống Zelensky cũng sẽ ký một thỏa thuận tương tự với Pháp vào tuần sau, khi ông tìm cách tăng cường hỗ trợ cho quân đội Ukraine, những người đang vật lộn để ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga vào thành phố tiền tuyến Avdeevka.
Khi cuộc xung đột Ukraine sắp bước sang năm thứ ba, Tổng thống Zelensky sẽ đưa ra lời kêu gọi mới đối với các đồng minh phương Tây về việc hỗ trợ tài chính và vũ khí cho Kiev tại Hội nghị An ninh Muchich, diễn ra ngày 16-18/2.
Chuyến công du châu Âu của Tổng thống Zelensky diễn ra vào thời điểm quan trọng khi Ukraine phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng ở tiền tuyến miền đông vì tình trạng thiếu đạn dược và các cuộc tấn công mới từ phía Nga.
Gói viện trợ quân sự trị giá 60 tỷ USD đã bị trì hoãn tại Washington từ năm ngoái do tranh cãi tại quốc hội. Liên minh châu Âu (EU) cũng thừa nhận rằng họ chỉ có thể sản xuất được 50% trong một triệu quả đạn pháo mà họ đã hứa gửi vào tháng 3 năm nay.
Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters)