Cho tới nay, thỏa thuận về người di cư và tị nạn giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục gây tranh cãi.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu gặp gỡ những người tị nạn trong chuyến thăm Gaziantep. (Nguồn: THX/TTXVN)
Trong báo cáo công bố ngày 17/5, Uỷ ban châu Âu (EC) cho rằng việc xóa bỏ thị thực cho người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ tấn công khủng bố vào "lục địa già" do những kẻ khủng bố hay tội phạm sẽ lợi dụng cơ chế đi lại tự do để có được hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ.
EC cũng quan ngại rằng tội phạm hoạt động trong những mạng lưới buôn lậu vũ khí, ma túy hay buôn người tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể dễ dàng mở rộng hoạt động ở châu Âu.
Ngoài ra, EC cũng bày tỏ quan ngại trước đề xuất miễn thị thực cho người dân Kosovo, Ukraine và Gruzia, vì cho rằng đây là vùng lãnh thổ và những quốc gia mà tội phạm có tổ chức mang tính đặc hữu.
Theo báo cáo, hiện có khoảng 300 tay súng từ Kosovo gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq.
Đây là một con số kỷ lục nếu so sánh với dân số châu Âu. Do thiếu nguồn lực nên chính quyền Kosovo gặp khó khăn trong việc ngăn chặn những tay súng này.
Trong diễn biến liên quan, Tổ chức cảnh sát châu Âu (Europol) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cùng ngày công bố báo cáo cho biết khoảng 90% người di cư vào châu Âu thông qua mạng lưới buôn người.
Europol và Interpol nhận định các tổ chức buôn người thu lời khoảng 5-6 tỷ USD từ hoạt động này do mỗi người di cư muốn vào châu Âu trong năm ngoái phải trả cho bọn buôn người trung bình từ 3.200-6.500 USD.
Từ năm 2014, EU đã nhận thấy sự gia tăng chưa từng có số lượng người di cư bất hợp pháp vào "lục địa già."
Làn sóng người di cư đạt mức kỷ lục vào năm 2015 và xu hướng này vẫn tiếp tục trong năm 2016.
Chỉ riêng ở Libya có khoảng 800.000 người đang chờ vượt biển để vào châu Âu.
Europol và Interpol cũng cảnh báo các mạng lưới buôn người xuyên quốc gia tại hơn 100 quốc gia trên thế giới đang đứng sau làn sóng người tị nạn này.
Theo Giám đốc Europol Rob Wainwright, Europol và Interpol đưa ra báo cáo trên với mong muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng cho EU và các quốc gia thành viên rằng cả 2 cơ quan cảnh sát này phải đấu tranh mạnh mẽ để chống lại những mạng lưới buôn người.
Văn Cường - theo Bild/ZDF/Vietnam+