Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại diễn đàn Đức - Mexico ngày 10/6/2017 tại Mexico. Ảnh: AFP
Xóa bỏ các nguyên nhân khiến người dân rời bỏ quê hương mới là giải pháp triệt để kiểm soát cuộc khủng hoảng người di cư, thay vì việc xây các bức tường biên giới.
Đây là nhận định của Thủ tướng Đức Angela Merkel khi tham dự diễn đàn “Đức và Mexico: Đối tác trên con đường đi tới nền công nghiệp 4.0 và đào tạo kép 4.0” nhân chuyến thăm của bà tới quốc gia Bắc Mỹ này trong 2 ngày 10-11/6.
Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, phát biểu tại sự kiện nói trên, nhà lãnh đạo Đức khẳng định vấn đề người di cư là một thách thức lớn và không thể giải quyết bằng việc kiểm soát biên giới mà cần phải tạo ra triển vọng về một cuộc sống tốt hơn cho người dân.
Thủ tướng Merkel nêu dẫn chứng cụ thể từ vấn đề người di cư đến châu Âu trong 2 năm qua, trong đó hầu hết những người tìm đến châu Âu làm "bến đỗ" mới là những người đến từ các nước Trung Đông, Bắc Phi bất ổn về an ninh và đang hứng chịu nội chiến nghiêm trọng như Afghanistan, Iraq, Lybia, Syria....
Theo Thủ tướng Merkel, Công ước Geneve quy định nghĩa vụ của các nước châu Âu là phải tiếp nhận những người tị nạn trong một thời gian.
Tuy nhiên, khi các tổ chức tội phạm đưa lậu người tị nạn lợi dụng vấn đề này do cuộc khủng hoảng người di cư vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, các quốc gia cần có sự phối hợp để giải quyết vấn đề kiểm soát người di cư.
Nhận định của bà Merkel được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang thúc đẩy kế hoạch xây dựng bức tường biên giới kiên cố với Mexico để chống nhập cư trái phép.
Liên quan đến vấn đề thương mại, Thủ tướng Merkel khẳng định rõ lập trường của Đức ủng hộ một hệ thống có quy tắc về tự do thương mại quốc tế và cho rằng cần có giải pháp chuyển tiếp để các nền kinh tế tiếp tục phát triển, điển hình là Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và vấn đề môi trường của Liên minh châu Âu.
Bà Merkel nhận định, các thỏa thuận đa phương đã tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các nước kết nối với nhau và thông qua kỹ thuật số hóa, chắc chắn sẽ tăng tốc phát triển.
Về việc bảo mật dữ liệu và lạm dụng Internet, bà nhận định, đến nay vẫn chưa có thông lệ quốc tế, do đó ngành công nghiệp 4.0 sẽ phải trải qua quá trình này.
Công nghiệp 4.0 hay còn được biết đến với tên gọi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tập trung chủ yếu vào sản xuất thông minh, dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano,.... với nền tảng là các đột phá của công nghệ số.
Khái niệm "công nghiệp 4.0" được đưa ra vào năm 2011 tại Hội chợ Hannover, Đức, giới thiệu các sáng kiến của chương trình công nghiệp 4.0 của Đức nhằm nâng cao nền công nghiệp cơ khí truyền thống của nước này.
Không chỉ Đức, nhiều nước phát triển trong vài năm qua đều có chương trình phát triển chiến lược về sản xuất khi những tiến bộ khoa học và công nghệ diễn ra rất nhanh.
Mỹ có "Chiến lược quốc gia về sản xuất tiên tiến" cho 3 thập kỷ tới.
Pháp có "Bộ mặt mới của công nghiệp nước Pháp".
Hàn Quốc có "Chương trình tăng trưởng của Hàn Quốc trong tương lai".
Do đó, theo bà Merkel, Mỹ và châu Âu cần phải hợp tác để thiết lập ra các quy tắc cho quá trình này vì thế giới kỹ thuật số không thể hoạt động không có các quy tắc./.
TTXVN