Người Đức không thích các công việc lao động chân tay.
Trong khi rất nhiều quốc gia châu Âu cho rằng tiếp nhận quá nhiều người tị nạn có thể gây tổn thất kinh tế, thì Đức lại đang muốn dựa vào số lượng di dân kỷ lục kéo đến nước này để cứu chính mình.
Berlin ước tính, số dân ở độ tuổi lao động của Đức sẽ giảm 6 triệu người vào năm 2030, khi tỷ lệ tử vượt quá tỷ lệ sinh.
Điều này khiến Đức khó mà duy trì được tăng trưởng kinh tế.
"Nếu chúng ta thành công trong việc đào tạo nhanh những người đến đây và đưa họ vào lực lượng lao động, chúng ta sẽ giải quyết được một trong những vấn đề lớn nhất cho tương lai kinh tế đất nước. Đó là thiếu hụt kỹ năng" - hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel nói trước quốc hội ngày 10/9.
Lấp đầy khoảng cách kỹ năng làm việc với người mới đến, trong khi duy trì dân số ổn định sẽ là một thách thức của Chính phủ Đức.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã nhận thấy tiềm năng từ khoảng 800.000 người di cư dự kiến tới Đức trong năm nay.
Daniel Kok, chủ một công ty vật liệu lát sàn ở thành phố Dortmund, tây Đức, đang tìm kiếm một nhân viên học việc phù hợp trong khoảng 1 năm, thì nghiệp đoàn địa phương hỏi ông liệu có muốn thuê một người tị nạn hay không.
Kok được giới thiệu với Tesfagebriel Abraha, một người đàn ông 31 tuổi đến từ Eritrea chưa từng biết đến sàn gỗ là gì. Sau một đợt thử học việc 2 tuần thành công vào cuối tháng 7, Abraha đã được cho học nghề đến năm 2018.
"Tôi không thuê Abraha vì suy nghĩ phi thực tế, mà anh ta thực sự có năng lực, nhiệt tình và hăng say làm việc", ông chủ Kok giải thích và kể rằng, từng có nhiều người học nghề không đạt chuẩn.
Marcel Fratzscher, Giám đốc Viện Kinh tế DIW, cho biết người nhập cư chiếm hơn 2/3 trong gần 1,5 triệu việc làm mới mà nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) tạo ra trong 5 năm qua.
"Chúng tôi cần lao động, nếu chúng tôi muốn duy trì tăng trưởng kinh tế của Đức", ông nói.
Tọa lạc ở Nordrhein-Westfalen và là bang đông dân nhất của Đức, Dortmund tiếp nhận khoảng 4.000 người di cư và dự kiến con số này sẽ tăng gấp đôi vào cuối năm.
Thành phố công nghiệp này vừa hứng chịu tình trạng suy giảm trong lĩnh vực khai mỏ và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 12,7%, cao gấp đôi mức trung bình của cả nước.
Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu viện cớ tỷ lệ thất nghiệp cao trong nước, để từ chối tiếp nhận di dân, dù chỉ vài nghìn người trong tổng số hàng trăm nghìn người Trung Đông và châu Phi đang kéo tới châu lục này để lánh nạn nghèo đói và chiến tranh.
Tuy nhiên, ở Dortmund, Hội đồng Thương mại địa phương (HWKO) lại có cái nhìn khác biệt, nói rằng gần 1/4 số doanh nghiệp trong thành phố có các vị trí để mở.
"Có việc làm ở đó, nhưng không phải lúc nào cũng có ứng viên phù hợp", phát ngôn viên HWK cho biết, đồng thời nói thêm rằng các khóa học nghề không hấp dẫn nhiều người Đức, vì họ thích học lên đại học sau khi tốt nghiệp phổ thông.
Để lấp đầy khoảng trống này, HWK mời 85 người tị nạn tới thực hiện các bài kiểm tra toán và ngôn ngữ hồi đầu năm nay, chọn ra 15 người từ Syria, Congo và Eritrea, đào tạo họ làm thợ điện, thợ cơ khí, thợ lát sàn...
Một trong số họ là Abraha, người đã đi bộ rời khỏi Eritrea năm 2012 sau 6 năm nhập ngũ. Anh tới Đức hồi tháng 11 và bắt đầu học tiếng Đức trong trại tị nạn.
Phát ngôn viên HWK cho biết, một số công ty vẫn cung cấp thêm vị trí đào tạo cho những người tị nạn thực sự muốn học nghề, mặc dù chỉ tiêu không còn.
Các khóa học nghề không giới hạn bởi mức lương tối thiểu 8,5 Euro (9,52 USD) mỗi giờ.
Các nghiệp đoàn cho biết còn có sự để ý sát sao để người nhập cư không bị bóc lột và trả rẻ.
Abraha đến từ Eritrea đang học nghề lát sàn ở Dortmund.
Tuy nhiên, rõ ràng có rất nhiều trở ngại để dòng chảy di dân có thể giải nhanh bài toán dân số của Đức.
Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere cho biết, tuy cũng có nhiều người học cao, đặc biệt là từ Syria thì vẫn có khoảng 20% di dân mù chữ.
Thực tế này tăng thêm gánh nặng lên nhà nước.
Bộ trưởng Lao động Andrea Nahles ước tính, số người hưởng trợ cấp có thể tăng lên đến 460.000.
Để đẩy nhanh sự tiếp cận của người nhập cư với thị trường lao động, Chính phủ Đức đã quyết định cắt giảm thời gian chờ đợi nhận việc làm và dỡ bỏ yêu cầu xin giấy phép từ các cơ quan quản lý việc làm trước khi bắt đầu các khóa học nghề.
Nhưng không có gì đảm bảo những người hoàn tất khóa học sẽ ở lại.
Ulf Rinne - Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu tại Viện Tương lai Việc làm (IzA) ở Bonn - cho rằng, thật là ảo tưởng khi nghĩ người tị nạn có thể hóa giải tình trạng thiếu lao động có tay nghề trong ngắn hạn.
"Về trung và dài hạn, tất nhiên họ có thể giúp xoa dịu các vấn đề nhân khẩu ở Đức, đặc biệt là nếu chúng ta, như một xã hội, có thể hội nhập họ thành công vào thị trường lao động", ông đánh giá. "Nhưng tất nhiên đây là một thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt, không có thành công chắc chắn".
Thanh Hảo
Theo Reuters