Nhà chức trách Đức đã xác định được danh tính của thủ phạm vụ khủng bố bằng xe tải đêm 19-12. Đó là một gã người Tunisia, 24 tuổi, bị cơ quan an ninh xếp vào loại thánh chiến nguy hiểm.
Chính phủ Đức đã cảnh báo tên Anis Amri có thể có trang bị vũ khí, treo thưởng lên đến hơn 100.000 USD cho ai cung cấp thông tin có giá trị.
Hình ảnh của Anis Amri được dán khắp nơi trên nước Đức.
Gã thanh niên Tunisia này cao 1,78m và nặng 75kg, là nghi phạm thứ nhất trong cuộc điều tra về vụ khủng bố đêm 19-12 tại Berlin.
Cảnh sát đã quyết định sử dụng mọi phương tiện để tóm được hắn.
Tuy nhiên mọi người được cảnh báo là "hắn rất nguy hiểm và có vũ khí". Vũ khí mà hắn dùng để giết người tài xế xe tải không được tìm thấy. Tối 20-12 vụ khủng bố đã được nhóm khủng bố IS nhận trách nhiệm.
Anis Amri.
Sau khi trả tự do cho người đàn ông Pakistan bị bắt lầm, các nhà điều tra cam kết với giới truyền thông sẽ hành động nhanh chóng.
Họ đã có được manh mối để nhận dạng kẻ lái chiếc xe tải lao vào khu chợ đêm Giáng sinh Breitscheidplatz ngay từ những giờ đầu tiên.
Tấm thẻ tạm cư của Anis Amri được tìm thấy dưới nệm ghế của tài xế, nhưng sau khi kín đáo điều tra, người ta đã mất dấu của hắn. Lục soát tại địa chỉ tạm trú của hắn không tìm thấy dấu vết gì.
Việc lục soát như thế này chỉ là hành động tìm thêm các chứng cứ liên quan vì Anis Amri từng được biết đến và bị cảnh sát xếp vào loại "thánh chiến nguy hiểm".
Sau khi rời khỏi Tunisia năm 2011 và đi sang Italy, hắn bị bắt giam 4 năm về tội phóng hỏa một trường học.
Anis Amri đến Đức vào tháng 7-2015 như một kẻ xin tị nạn. Hồ sơ của hắn bị từ chối vào tháng 6 và bị trục xuất, nhưng thủ tục trục xuất không được thi hành.
Chính quyền Tunisia vốn không thừa nhận quốc tịch của hắn nên không cung cấp giấy tờ cần thiết. Cuối cùng hồ sơ của hắn cũng được gửi đến cơ quan hành chính tại Bắc Nordrhein-Westfalen.
Từ tháng 11-2016, hắn đã bị trung tâm chống khủng bố Đức đưa vào danh sách đen và bị điều tra vì đang "chuẩn bị một hành động phạm pháp nghiêm trọng gây nguy hại cho quốc gia".
Đó là từ mà pháp luật Đức chỉ những vụ khủng bố hay dự tính khủng bố.
Vào mùa hè, Anis Amri cũng từng bị bắt tại Friedrichshafen do sử dụng giấy tờ giả, sau đó hắn được thả ra.
Từ tháng 1-2016 Anis Amri bị cơ quan tình báo theo dõi, các cuộc điện đàm của hắn bị nghe lén.
Đến tháng 3 hắn bắt đầu tuyển mộ cộng sự để thực hiện khủng bố.
Ở Đức hắn tiếp cận với "Abu Walaa", tên thực là Ahmad Abdulaziz Abdullah A., một kẻ có nhiều ảnh hưởng chuyên hô hào lòng thù hận trên Internet, nhưng khi thực hiện clip, tên này lưng luôn quay lại caméra.
Được mệnh danh là "kẻ giảng đạo giấu mặt", Abu Walaa đã bị bắt vào tháng 11 tại Hildesheim và bị kết tội là một trong những nhân viên tuyển mộ chính của IS, thậm chí là "số 1 tại Đức". Anis Amri cũng tiếp xúc với Boban S., đồng lõa của Abu Walaa, và cũng bị bắt vào tháng 11.
Sau đó tình báo Đức mất dấu của Anis Amri vào tháng 11.
Hắn đã nhiều lần thay đổi nơi cư ngụ giữa Bắc Westphalie-Rhénanie và Berlin và dùng nhiều giấy tờ tùy thân giả.
Chính tại 2 khu vực này hắn đã có dự tính khủng bố và quan hệ với phong trào Hồi giáo cực đoan.
Dù đã có một cuộc điều tra được mở ra do hắn là một mối đe dọa nhưng có vẻ như các cơ quan an ninh không phối hợp với nhau thật tốt, theo nhiều nguồn tin được báo chí dẫn lời.
Trang tin tức Ruhrnachrichten cho biết, tên Amri đã từng sống ở Dortmund, tại một khu căn hộ sống cùng một người Đức gốc Serbia, Boban S, người cũng bị bắt hồi tháng trước với Abu Walaa.
Theo tờ thời báo New York, Amri cũng bị Mỹ liệt kê vào danh sách cấm bay, tên này đã từng nghiên cứu về thuốc nổ trên mạng và có kết nối với IS ít nhất 1 lần thông qua dịch vụ nhắn tin Telegram Messenger.
Cảnh sát tuần tra tại một chợ Giáng sinh ở Đức.
Đối với gia đình hắn, các thông tin trên là một bất ngờ.
"Khi tôi nhìn thấy ảnh của nó trên báo chí và truyền thông, tôi không tin vào mắt mình. Tôi thật sự bị sốc và không tin rằng nó đã thực hiện vụ khủng bố tại Berlin.
Chúng tôi không bao giờ nhận thấy các biểu hiện bất thường của nó. Nó liên lạc với chúng tôi qua Facebook, luôn tươi cười và vui vẻ" - người anh Abdelkader Amri cho biết. Cha mẹ của hắn sống tại Oueslatia và đã được cảnh sát Tunisia thẩm vấn.
Ngày 19-12, theo lời khai của Ariel Zurawsky, chủ công ty vận tải và cũng là người anh họ của tài xế chiếc xe tải tên là Urban, nặng 120kg, cao 1,83m, hành nghề lái xe tải đã 5 năm, đến Berlin để giao số hàng 24 tấn thép đến từ Italy.
Anh dự định dỡ hàng ngay sau khi đến thủ đô nước Đức vào 7 giờ sáng nhưng sau đó điện thoại cho vợ thông báo rằng kế hoạch giao hàng bị dời sang sáng hôm sau, vì thế tài xế Urban phải ở lại Berlin và đỗ xe trong một khu công nghiệp ở phía tây bắc thành phố.
Xa nhà đã hơn 10 ngày, anh đang rất mong chờ được đoàn tụ với vợ con và bực bội vì phải ở lại Berlin ngoài dự kiến.
Mua một chiếc bánh mì kẹp thịt để ăn trưa, anh quay lại chiếc xe và lần cuối liên lạc với gia đình là vào 15 giờ.
Khi vợ anh điện thoại cho chồng lúc 16 giờ, chị không thể liên lạc được.
"Chỉ nghe tiếng đổ chuông. Cậu ấy đáng ra đã nhấc máy nếu đang nghỉ trưa, nhất là khi vợ gọi", người anh họ Ariel Zurawski nói.
Người chủ công ty vận tải cung cấp thêm chi tiết rằng, thiết bị GPS trên xe cho thấy chiếc xe tải có chạy tới lui chút ít, tựa như "có ai đó đang tập lái".
Chiếc xe tải gây thảm kịch.
Cuối cùng chiếc xe rời khỏi nơi đỗ lúc 19h40’ chạy 10km đến một khu phố đông đúc ở phía tây Berlin.
Tại đây chiếc xe đã lao vào đám đông người đang nhộn nhịp mua sắm trong khu chợ Giáng sinh lúc 20 giờ.
Chạy được khoảng 60m hay 80m, thay vì chạy thẳng vào chợ, nó lệch sang trái, đâm vào một quầy hàng rồi dừng lại gần đại lộ. Sự chuyển hướng này khiến cảnh sát thắc mắc.
Cảnh sát tìm thấy xác người tài xế Ba Lan chết do đạn bắn trên ghế hành khách.
Cơ thể anh ta có nhiều vết bầm và trầy xước, có lẽ là do đã ẩu đả, gương mặt dính đầy máu, sưng phù.
Theo giới truyền thông, có lẽ Urban đã bị bắt cóc và ép buộc phải lái xe lao vào đám đông, sau đó đã chống cự và bị giết, hoặc bị đe dọa bởi một khẩu súng, anh ta đã cố kiểm soát chiếc xe tải và cố tình lái chệch hướng.
Lukasz Wasik, quản lý công ty vận tải, cho biết:
"Urban là một người tốt, trầm tính và chân thành. Cậu ấy làm việc chăm chỉ, gìn giữ chiếc xe như tài sản của mình. Tôi tin cậu ấy sẽ không rời bỏ nó và bảo vệ nó đến cùng nếu bị tấn công".
Nước Đức trong năm nay đã hứng chịu nhiều vụ tấn công, vài trường hợp do người xin tị nạn gây ra và IS tuyên bố nhận trách nhiệm.
Ngày 18-7, một thiếu niên 17 tuổi xin tị nạn cầm rìu và dao tấn công hành khách trên tàu hỏa ở Bayern làm 5 người bị thương trước khi bị cảnh sát tiêu diệt.
IS sau đó đăng video có hình ảnh kẻ tấn công tuyên bố thực hiện một "chiến dịch" ở Đức và tự giới thiệu đây là "chiến binh của đế chế".
Hiện trường vụ khủng bố.
Trong nửa cuối năm 2015, quyết định của Thủ tướng Đức Angela Merkel chấp nhận đơn xin tị nạn của những người chạy trốn cuộc xung đột tại Syria đã dẫn đến làn sóng người di cư ồ ạt đến Đức.
Mặc dù người dân Đức ban đầu hoan nghênh quyết định của bà Merkel, song sau đó nhiều người đã bày tỏ lo ngại trước những tác động về xã hội, kinh tế và chính trị của việc tiếp nhận hàng nghìn người di cư.
Đặc biệt, các vụ tấn công liên tiếp vừa qua tại Đức càng khiến phe phản đối người nhập cư chứng tỏ được rằng người nhập cư là mối đe dọa đối với nước Đức.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas De Maiziere khi ấy đã phát biểu:
"Có thể sẽ có những nhận định cho rằng, có sự liên kết giữa những người tị nạn và khủng bố quốc tế. Trong hầu hết các trường hợp, đó là những nhận định sai lầm, nhưng cũng có những trường hợp chúng ta cần kiểm chứng. Vì vậy chúng ta không thể nói rằng không có một mối liên hệ nào giữa những người tị nạn và khủng bố".
Con số 70.000 các vụ phạm tội (thủ phạm là người nhập cư) trong quý I năm 2016 và loạt 4 vụ tấn công, trong đó thủ phạm tất cả đều là người nhập cư xảy ra chỉ trong 1 tuần cuối tháng 7 và đầu tháng 8 đã lộ ra mảng tối u ám trong chính sách nhập cư.
Người ta đã nghĩ tới một kịch bản xấu nhất, đó là ngày càng có thêm những con "Sói đơn độc" đe dọa an ninh nước Đức.
Dù quy mô và mức độ thiệt hại nhỏ hơn so với cuộc khủng bố tại Brussels (xảy ra ngày 22-3) và Nice (vào ngày 14-7), song một loạt các cuộc tấn công táo bạo liên tiếp diễn ra trong những tháng qua đã làm rúng động nước Đức, gây ra tâm lý hoang mang sợ hãi trong công chúng cũng như nhiều chỉ trích và rạn nứt trong nội các Đức.
Đảng bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel lại nhắc đến một chiến dịch mà bà đã đề ra cách đây vài tháng sau những vụ khủng bố của IS trong nước.
Bà muốn cho phép quân đội Đức tham gia các hoạt động an ninh công cộng. Bộ trưởng Nội vụ bang Saarland Klaus Bouillon đề nghị phải thực hiện ngay các biện pháp an ninh mạnh hơn nữa.
Ông Bouillon muốn tăng số lượng cảnh sát ở các chợ Giáng sinh, cần phải tuần tra nhiều hơn nữa; các nhân viên an ninh phải được trang bị súng máy; kiểm soát việc ra vào các hội chợ gắt gao hơn…
Thị trưởng Berlin Michael Mueller cho biết, số lượng nhân viên an ninh, rào chắn đã được tăng cường ở các hội chợ để ngăn chặn những cuộc tấn công tương tự. Đồng thời trấn an người dân không hoảng sợ khi tham gia các hoạt động ở nơi công cộng.
Nhưng kết quả một cuộc khảo sát dư luận vừa được công bố cho thấy, hơn ba phần tư người dân Đức lo ngại đất nước sẽ tiếp tục bị tấn công khủng bố.
Vụ xả súng kinh hoàng ở München khiến 9 người thiệt mạng, vụ tấn công bằng rìu trên tàu hỏa ở bang Bavaria, vụ đánh bom liều chết ở quán bar gần Nürnberg và vụ tấn công bằng xe tải vào một nơi tập trung đông người như hội chợ giáng sinh vừa xảy đầu tuần đã chứng minh, mối lo sợ này hoàn toàn có cơ sở.
Cũng giống Pháp và Bỉ, Đức có một số lượng lớn dân gia nhập các tổ chức thánh chiến ở Iraq và Syria trong những năm gần đây.
Các con số thống kê ước tính khoảng 700 người Đức đã gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Sau đó, trong số này nhiều người đã quay trở lại nước Đức.
Trong tháng trước, Bộ Tư pháp Đức tiết lộ, văn phòng công tố viên liên bang đã tiến hành 120 cuộc điều tra đối với 180 nghi phạm có liên quan tới cuộc nội chiến Syria, tham gia hoặc ủng hộ các tổ chức khủng bố.
Chặng đường của Anis Amri và sự thiếu sót của các cơ quan an ninh Đức hẳn sẽ gây tranh cãi nhiều tại Đức...
Theo Mê Linh - Quốc Hùng (tổng hợp)
An ninh thế giới