Một số người tị nạn đã thích ứng rất nhanh, nhưng một số người khác dường như đang bị “sốc văn hóa” tại nơi mà họ vừa đến.
Sau hàng loạt vụ tấn công, cướp bóc và quấy rối tình dục nhằm vào phụ nữ trong đêm Giao thừa đón chào năm mới 2016 ở một số thành phố của Đức đã làm nổ ra các cuộc tranh luận về chính sách mở cửa di cư của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Đức cũng như một số nước châu Âu đã đưa ra biện pháp thắt chặt hơn nữa hoạt động tiếp nhận người di cư. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng, vụ việc tại các thành phố ở Đức vừa qua là lời nhắc nhở đối với chính phủ các nước châu Âu về việc không chỉ giúp người tị nạn có cơm ăn, áo mặc mà còn giúp họ hội nhập văn hóa với nước sở tại.
Đối với nhiều người di cư, Đức được coi là miền đất hứa: Một nơi của sự ổn định, tăng trưởng kinh tế và họ được chào đón nồng nhiệt. Tuy nhiên Đức cũng là một đất nước mà xúc xích thịt lợn là một món ăn dân tộc; nơi mà lãnh đạo đất nước là một phụ nữ cùng nhiều thói quen và văn hóa khác biệt. Một số người di cư đã thích ứng rất nhanh, nhưng một số người khác dường như đang bị “sốc văn hóa” tại nơi mà họ vừa đến.
Tại một nhà tạm cho người tị nạn ở thành phố đông nam Passau của Đức, một giáo viên người bản địa đã kể lại câu chuyện về cậu bé 15 tuổi đến từ Afghanistan từ chối đụng vào đồ ăn của mình trong bữa trưa. Được hỏi tại sao, cậu bé giải thích rằng cậu sẽ không ăn nếu người phụ nữ ngồi cùng bàn không rời đi. Gay gắt hơn khi cậu khẳng định “Chó không được ngồi trên bàn ăn”.
Trong khi đó, tại khu vực biên giới gần Áo- Đức, hình ảnh một người phụ nữ với gương mặt bị thương đã thu hút sự chú ý của các tình nguyện viên. Tuy nhiên, người chồng đã không trả lời và cười rất thản nhiên trước câu hỏi của những tình nguyện viên về vết thương trên mặt vợ.
Những tình nguyện viên phải giải thích: những người tị nạn đang ở Đức và hành động này có thể vi phạm luật của nước Đức. Đây là một trong rất nhiều ví dụ về sự “ sốc văn hóa” của những người di cư tại quốc gia mà họ đến sống.
Sự khác biệt văn hóa lại một lần nữa được thổi bùng lên sau các vụ tấn công tại một số thành phố ở Đức trong đêm giao thừa vừa qua. Những người đàn ông nhìn bề ngoài có thể đến từ khu vực Arab hoặc Bắc Phi đã quấy rối và cướp bóc những người phụ nữ qua đường hoặc khách tham quan là nữ giới.
Vụ việc này đã làm nổ ra các cuộc biểu tình phản đối tại Đức cũng như châu Âu, gây sức ép với chính sách mở cửa người tị nạn của Thủ tướng Merkel. Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp liên bang Đức ngày 12/1 đã công bố biện pháp nhằm siết chặt trừng phạt các đối tượng người nước ngoài phạm tội hình sự ở Đức, trong đó có vụ việc tại Cologne.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas, biện pháp này được đưa ra cũng nhằm để bảo vệ cho phần lớn những người tị nạn khác đang ở nước này: “Các biện pháp đưa ra không có gì khác ngoài việc bảo vệ cho các nạn nhân. Chúng tôi bảo vệ những nạn nhân trước các tội phạm này. Tuy nhiên, không chỉ có lí do bảo vệ các nạn nhân mà còn bảo vệ phần lớn những người tị nạn trong sáng khác tại Đức. Họ không đáng bị xếp chung hàng với những người nước ngoài phạm tội”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, vụ tấn công tại Đức vừa qua cũng nằm trong vấn đề khác biệt văn hóa. Người châu Âu rất tôn trọng phụ nữ, trong khi nhiều người tị nạn là người Hồi giáo vẫn giữ quan niệm trọng nam khinh nữ.
Mặc dù vậy, không thể biện minh những hành động phạm tội là do sự khác biệt văn hóa hay tín ngưỡng, vì bất cứ ai phạm tội xâm phạm hay quấy rối người nào đó cũng sẽ bị trừng phạt, bất kể họ là người nước nào và đến từ đâu.
Vụ việc này cũng đặt ra câu hỏi cho những người di cư cũng như chính phủ nước sở tại đó là cần phải ưu tiên hơn nữa cho việc thúc đẩy sự hội nhập văn hóa cùng với nhiệm vụ dạy ngôn ngữ hay tạo việc làm cho những người di cư.
Hiện Chính phủ Đức cũng bắt đầu thành lập các “lớp học hòa nhập” cho người tị nạn, trong khi nhiều trường học tiến hành các lớp học chào đón cho trẻ em tị nạn. Tại đây, họ không chỉ được dạy ngôn ngữ mà còn dạy về cuộc sống và những giá trị cần tôn trọng tại Đức.
Những cuốn sách được xuất bản bằng cả tiếng Đức và Arab giúp những người tị nạn hiểu về những điều đơn giản nhất trong cuộc sống tại Đức như “Không đến muộn” hay “bắt tay” và thậm chí là những câu rất đơn giản như “Tôi không ăn thịt lợn“ bằng tiếng Đức. Theo các tình nguyện viên tại Đức, cách duy nhất để tích hợp những người từ các nền văn hóa khác nhau đó là sự trải nghiệm và giúp họ hiểu rõ hơn cuộc sống thực tế tại Đức./.
Minh Anh Theo Phạm Hà/VOV