Vụ khủng bố gây chấn động vừa qua tại thủ đô Paris, Pháp được nhận định là chất xúc tác sẽ thay đổi cục diện chính trị quốc tế trong những năm sắp tới.
Trong hơn một năm qua, các nước phương Tây đều đánh giá cuộc khủng hoảng Ukraine là nguy cơ an ninh hàng đầu, vì vậy mọi sự quan tâm đều tập trung vào quốc gia này và vai trò then chốt của Nga. Trong khi đó, chủ nghĩa khủng bố được nhận định là vấn đề nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, vụ tấn công khủng bố hàng loạt nhằm vào thủ đô Paris, Pháp hôm 13/11 do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tiến hành đã một lần nữa khiến mối uy hiếp từ chủ nghĩa cực đoan trở lại vị trí trung tâm chương trình nghị sự quốc tế, tờ Wall Street Journal bình luận.
Ngay sau vụ việc, Nga lập tức được coi như đối tác hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố, chứ không chỉ còn là đối thủ địa chính trị của các nước phương Tây và Mỹ với tiềm lực hạt nhân khổng lồ. Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội ý ngắn bên lề Hội nghị G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ để bàn về vấn đề tiêu diệt IS và tiến trình chính trị Syria.
Sách lược của Moscow là ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, coi đây là biện pháp phản công IS tốt nhất trong ngắn hạn. Nhưng, Washington và Paris không hoàn toàn nhất trí với đề nghị trên. Pháp là một trong những quốc gia phản đối công khai, mạnh mẽ nhất chính quyền của ông al-Assad. Tuy nhiên, lập trường trên rất có thể sẽ thay đổi trong bối cảnh hiện nay.
Vụ khủng bố vừa qua nâng cao rủi ro địa chính trị tại Syria. Cuộc nội chiến suốt 5 năm qua tại quốc gia này khiến hàng trăm người tị nạn đổ vào châu Âu. Vụ việc lần này được cho là sẽ buộc phương Tây tăng cường các biện pháp quân sự và ngoại giao với khu vực. Tuy nhiên, đứng trước bài học kinh nghiệm tại Iraq và Afghanistan, khả năng phương Tây đặc biệt là Mỹ điều số lượng lớn bộ binh đến Syria vẫn không cao.
Vụ khủng bố Paris được liên tưởng với vụ tấn công 11/9 tại Mỹ năm 2001, nhưng sức ảnh hưởng quân sự của châu Âu khó có thể so sánh với Mỹ, vì vậy thái độ của Washington được cho là yếu tố quan trọng then chốt. Tổng thống Obama cam kết, Mỹ sẽ tăng cường mức độ tấn công IS của lực lượng quân sự do nước này dẫn đầu, đồng thời thông qua nỗ lực ngoại giao tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc chiến Syria.
Giới chức Nhà Trắng cho biết, việc tăng cường hoạt động tấn công gần đây nhằm vào giới lãnh đạo IS và việc bố trí lực lượng đặc nhiệm tại Syria là bước khởi đầu cho những hoạt động quân sự quy mô lớn hơn. Theo lời một quan chức Mỹ giấu tên, nước này đã chuyển giao lô vũ khí thứ hai cho Liên minh Arab và Kurdish chống IS mới được thành lập.
Mặc dù trong cuộc hội ý chớp nhoáng giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga, hai bên đạt được những đồng thuận nhất định trong việc giải quyết vấn đề Syria và Washington cũng tỏ thái độ linh hoạt hơn trước các hoạt động quân sự của Moscow tại quốc gia Trung Đông này thời gian qua, nhưng ông chủ Nhà Trắng được cho là không muốn thay đổi sách lược cơ bản của Mỹ. Tổng thống Obama vẫn phản đối việc Mỹ can dự sâu hơn vào cuộc khủng hoảng Syria, bởi ông cho rằng điều này sẽ khiến Mỹ "sa lầy" vào một cuộc chiến tranh Trung Đông khác.
Mặt khác, vụ tấn công Paris cho thấy IS có năng lực vươn xa triển khai hoạt động khủng bố của mình ra ngoài phạm vi Syria và Iraq, nhằm thẳng vào các nước lớn. Thủ phạm đằng sau các vụ tấn công tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ và vụ bắn rơi máy bay Nga tại Ai Cập đều là tổ chức Hồi giáo cực đoan này với nguồn lực tài chính hùng hậu.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Richard Burr cho rằng, Pháp có thể cùng với NATO thiết lập Liên minh chống khủng bố mới, như cách Mỹ từng làm sau vụ khủng bố 11/9. "NATO có lẽ sẽ thiết lập liên minh chống khủng bố, để chí ít tiến hành một đợt tấn công nhằm vào IS trước khi tổ chức này có khả năng phát động đợt tấn công khủng bố nữa", Thượng nghị sĩ Burr trả lời phỏng vấn đài CBS cho biết. Ông cũng kiến nghị cơ quan tình báo các nước tăng cường trao đổi thông tin và đề nghị Mỹ nghiên cứu tăng cường lực lượng đặc chủng tại Syria.
Đáp trả lại hành động khủng bố hôm 13/11, chính phủ Pháp quyết định tăng gấp đôi số lượng máy bay tấn công IS tại Syria. Hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle với 24 chiến đấu cơ đã rời cảng tiến về vùng chiến sự.
Cùng với đó, nội bộ các Liên minh châu Âu (EU) nổ ra các cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề người tị nạn Trung Đông và hệ thống kiểm soát biên giới tại một số khu vực. Chính phủ các nước châu Âu được cho là đứng trước một loạt lựa chọn khó khăn, bao gồm đánh giá lại sự quan tâm truyền thống với vấn đề nhân quyền, hay nên tăng cường hay không các biện pháp giám sát có thể ảnh hưởng đến quyền riêng tư cá nhân.
"Nhưng điều khiến châu Âu không thoái mái là phải thỏa hiệp với Nga", bình luận viên Stephen Fidler nhận định. "Chính phủ Nga hiển nhiên là muốn đạt được thỏa thuận, để thông qua sự hợp tác trên vấn đề Syria hối thúc phương Tây giảm thiểu trừng phạt trên vấn đề Ukraine. Nhưng cho đến nay, các quan chức châu Âu phản đối việc liên hệ hai vấn đề này với nhau".
Đức Long