Sau vụ xả súng đẫm máu tại München ngày 22/7, Đức có thể phải xem lại chính sách đối ngoại của mình, trong đó có quan hệ với Nga.

 

Một tay súng hành động đơn độc xả đạn cướp đi mạng sống của 9 người tại thành phố München vào ngày 22/7.

Trước đó chỉ 5 ngày, một thanh niên tị nạn 17 tuổi được cho là đến từ Afghanistan dùng dao đâm chém loạn xạ trên một đoàn tàu ở bang Bayern thuộc miền Nam Đức, khiến 6 người bị thương.

Tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã đứng ra lãnh trách nhiệm, nhưng nhà chức trách Đức khi đó chỉ xem vụ tấn công bằng dao này là một vụ đơn lẻ.

Nhưng với vụ xả súng ngày 22/7, làn sóng bạo lực đã chính thức gõ cửa nước Đức.

Xả súng tại München: Đức cần có Nga? - 0

Lực lượng an ninh Đức tại khu trung tâm mua sắm ở München. Foto: Getty

Cảnh sát München đã gọi vụ tấn công vừa xảy ra là một vụ khủng bố, dù chưa có kết luận về động cơ gây án. Kẻ tấn công, được nhận diện là một thanh niên 18 tuổi gốc Iran, được cho là đã tự sát tại hiện trường.

Theo tờ Wall Street Journal, cho dù động cơ của vụ tấn công là gì - ý thức hệ, phân biệt chủng tộc, hay hành động tội ác đơn thuần - thì quy mô của vụ việc đã đạt tới mức tác động đến chính sách an ninh nội địa, nền chính trị, và thậm chí cả chính sách đối ngoại của Đức.

Trước vụ việc trên, suốt mấy tháng nay, giới chức an ninh đã cảnh báo rằng nguy cơ khủng bố ở Đức là thật và hiện hữu. Điều đó người dân Đức ngày càng trở nên bất an.

Trong một cuộc thăm dò do công ty bảo hiểm R+V thực hiện vào tháng 4-5/2016, 73% số người được hỏi nói họ cảm thấy lo về nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố, tăng 21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây có lẽ cũng chính là lý do để Đức xem lại lập trường cứng rắn của mình để hợp tác với Nga, đặc biệt là trong hoạt động chống khủng bố, điều tương tự mà Pháp đã làm sau khi quốc gia này liên tiếp xảy ra các cuộc khủng bố.

Những năm gần đây, nước Đức đã thể hiện sự cứng rắn trên trường quốc tế, bao gồm việc nước này dẫn đầu sự đáp trả của châu Âu đối với việc Nga sáp nhập Crimea.

Dù chưa tham chiến, Đức cũng là một phần trong liên minh do Mỹ dẫn đầu đánh IS ở Syria và Iraq.

Còn nhớ khi vụ khủng bố tại Nice xảy ra đúng vào ngày quốc khánh của Pháp, nối dài danh sách các vụ khủng bố tại đất nước này trong những năm qua, Thượng nghị sĩ Pháp Yves Pozzo di Borgo đã khẳng định rằng, đến lúc phương Tây cần phải tập trung vào việc chiến đấu chống lại IS thay vì luôn luôn đối phó với Nga.

“Một điều mà NATO cần phải nhận ra, đó là lực lượng an ninh Nga hiện là đối tác quan trọng của họ. Không những vậy, mục tiêu chính hiện nay đó là tiêu diệt IS chứ không phải là thành lập “liên minh thần thánh” để đối phó với Nga”, ông Pozzo di Borgo cho biết.

Ông cũng khen ngợi Nga khi quốc gia này đã có những đóng góp tích cực nhằm đẩy lùi hiểm họa khủng bố ở nhiều nơi trên thế giới.

“Nga tỏ ra rất hiệu quả trong các chiến dịch chống khủng bố. Đây cũng là mục tiêu hàng đầu của NATO và chúng ta chỉ có thể tiêu diệt các lực lượng khủng bố khi hai bên hợp tác cùng nhau”, ông nhấn mạnh.

Trước đó, sau vụ khủng bố tại Paris hồi tháng 11/2015, cựu Thủ tướng Pháp Francois Fillon cũng lên tiếng kêu gọi Tổng thống Pháp Francois Hollande hủy bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, giúp 2 quốc gia có thể đoàn kết trong cuộc chiến đấu chung chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Ông nói rằng, việc bắt đầu hợp tác giữa 2 quốc gia sẽ "mở đường cho một liên minh chống khủng bố lớn hơn và mạnh mẽ hơn".

Pháp đã nhận ra vai trò của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố và đã đến lúc Đức, cánh chim đầu đàn của Liên minh châu Âu, cũng cần phải thay đổi nhận thức của mình.

An Nhiên (Tổng hợp)

 

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC