Trong bối cảnh sự gia tăng mạnh số ca mắc liên quan biến thể siêu đột biến Omicron, vaccine vẫn được xem là “chiếc phao cứu sinh”. Tuy nhiên, những thông tin giả về vaccine, cũng như việc người dân đổ xô đi mua giấy chứng nhận vaccine ngừa Covid-19 để đối phó với các quy định của chính phủ đã gây ảnh hưởng tới cuộc chiến chống dịch.
Chỉ mất 200 euro để có một giấy chứng nhận tiêm vaccine giả, nhưng cái giá phải trả lại đắt hơn gấp bội, thậm chí là cả sinh mạng.
Nước Pháp vẫn chưa hết chấn động sau trường hợp một phụ nữ xuất trình loại giấy này khi đến khám tại bệnh viện Raymond-Poincare de Garches ở tỉnh Hauts-de-Seine.
Người này sau đó đã tử vong do không được điều trị phù hợp và vụ việc chỉ bị phát hiện sau khi được người chồng chia sẻ: “Cô ấy đã không cho tôi nói với mọi người là mình chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 và phải nói rằng cô ấy đã được chủng ngừa đầy đủ. Tôi đã làm tất cả để thuyết phục cô ấy tiêm vaccine.”
Theo các bác sĩ, nếu biết bệnh nhân chưa được tiêm vaccine, họ đã điều trị bằng liệu pháp kháng thể và có cơ hội cứu sống cô. Bộ Nội vụ Pháp cho biết, các nhà chức trách đã phát hiện hàng nghìn vụ sử dụng chứng nhận vaccine giả trên khắp cả nước và 400 cuộc điều tra đã được tiến hành. Một số manh mối điều tra cho thấy, việc phát tán các chứng nhận giả này “có liên quan đến các nhân viên y tế”.
Các chuyên gia tại công ty an ninh mạng Check Point cho biết, không chỉ Pháp, tại nhiều nước như Đan Mạch, Đức, Bồ Đào Nha hay thậm chí là cả tại Mỹ cũng đang chứng kiến sự gia tăng các hành vi phạm tội như thế này từ bán mã QR đến những trao đổi ngầm ngay tại các trung tâm tiêm chủng.
Chuyên gia Oded Vanunu tại Check Point cho biết: “Các đối tượng có thể photoshop ảnh và bắt đầu bán nó với thông tin thích hợp. Những kẻ lừa đảo và các kênh trên Telegram rất nhạy bén: họ hỏi bạn tất cả các câu hỏi, thông tin chi tiết, v.v. Mọi thứ bạn muốn đưa vào giấy chứng nhận”.
Trong bối cảnh gia tăng mạnh số ca mắc Covid-19 do biến thể siêu đột biến Omicron, chính phủ nhiều nước đang thắt chặt các quy định về chứng nhận vaccine. Mặc dù các hệ thống phòng ngừa quốc gia đang hoạt động hiệu quả, song việc theo dõi hành vi gian lận này vẫn vô cùng khó khăn. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua (21/12) lên án mạnh mẽ những kẻ tung tin sai lệch về vaccine, đặc biệt là trên các trang mạng truyền thông xã hội. Số ca mắc mới tại Mỹ những ngày qua đã tăng lên hơn 150.000 ca mỗi ngày và hơn 1.000 ca tử vong.
Theo nhà lãnh đạo Mỹ, hầu hết những người tử vong là những người không tiêm phòng: “Tiêm phòng hay không là lựa chọn cá nhân của các bạn. Song lựa chọn này lại chịu ảnh hưởng của những thông tin sai lệch nguy hiểm về vaccine được lan truyền trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Một số doanh nghiệp và cá nhân có tư tưởng bài vaccine đang kiếm lời bằng những lời nói dối có thể giết chết khách hàng của mình. Điều này là trái đạo đức và phải chấm dứt ngay lập tức”.
Ngay từ khi thế giới phát triển được vaccine ngừa Covid-19, những cuộc tranh luận xung quanh nghĩa vụ tiêm chủng đã trở thành tâm điểm quan tâm tại nhiều nước. Bởi trong số những người không tiêm chủng có cả những người thuộc đối tượng “được trì hoãn” theo khuyến cáo của các các cơ quan y tế. Dù cuộc tranh cãi tới nay vẫn chưa có hồi kết, song một điều chắc chắn là điều này đã tạo cơ hội cho một số kẻ kiếm lời. Bên cạnh cuộc chiến chống Covid-19, đây cũng là một cuộc chiến không kém phần khó khăn, có thể gây ảnh hưởng đến các nỗ lực chống dịch.
Thu Hoài (tổng hợp)
Nguồn: vov.vn