Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 15/4 tuyên bố nước này cho phép truy tố diễn viên hài đã viết một bài thơ xúc phạm Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Chính phủ Đức cho phép các công tố viên khởi kiện danh hài Jan Böhmermann theo khoản §103 thuộc bộ luật hình sự Đức về việc xúc phạm cơ quan hoặc đại diện nước ngoài.

Bà Merkel nói: “Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu truy tố Jan Böhmermann. Chính phủ Đức cân nhắc vấn đề này. Vụ việc có liên quan đến Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và Văn phòng Thủ tướng. Chính phủ quyết định chấp nhận yêu cầu từ phía Thổ Nhĩ Kỳ”.

Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ lo ngại về sự hạn chế quyền tự do báo chí, tự do hội họp ở Thổ Nhĩ Kỳ, đề nghị Ankara phải tôn trọng các quyền cơ bản, trong đó có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.

Xúc phạm ông Erdogan: Thổ Nhĩ Kỳ, Đức ứng xử thế nào? - 0

Danh hài Boehmermann. Ảnh: Reuters

Phản ứng ngay sau tuyên bố của bà Merkel, Trưởng đoàn nghị sĩ đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Thomas Oppermann đã chỉ trích quyết định sai lầm của Chính phủ Đức liên quan trường hợp của ông Boehmermann, cho rằng việc truy tố một người châm biếm vì tội "phạm thượng" không phù hợp trong một nền dân chủ hiện đại.

Trong khi đó, ở Thổ Nhĩ Kỳ, cách đây không lâu, một phụ nữ tỉnh Zonguldak, phía bắc Thổ Nhĩ Kỳ, bị phạt bốn năm tù vì xúc phạm Tổng thống Tayyip Erdogan trên mạng xã hội Facebook.

Theo cáo trạng của công tố viên, người phụ nữ 22 tuổi không được nêu tên, đã phát biểu những lời xúc phạm hồi tháng 2/2014, khi ông Erdogan còn là Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, trong cuộc tranh luận với một người đàn ông trên Facebook, người này sau đó khiếu nại với phòng công tố. Cơ quan công tố mở cuộc điều tra và khởi tố vụ án.

Trước đó, nhà báo Baris Ince của tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ Birgün cũng bị kết án 21 tháng tù vì đăng một bài báo mà trong đó, theo ý kiến ​​của Tòa án, có nội dung xúc phạm Tổng thống Tayyip Erdogan một cách kín đáo, báo Birgün đưa tin hôm 9/3.

Lý do nhà báo Ince bị truy tố là một bài báo được đăng hồi tháng 12/2013, trong đó đề cập đến các vụ bê bối tham nhũng liên quan đến các quan chức cấp cao của chính phủ mà khi đó đã trở nên phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Bài báo đã được viết dạng một bài thơ trào phúng, các chữ cái đầu tiên của mỗi dòng nếu ghép lại với nhau thì sẽ thành câu "Tayyip là tên trộm".

Mặc dù Ince giải thích rằng đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, ông vẫn bị buộc tội xúc phạm Erdogan.

Không chỉ vậy, trước đó còn có trường hợp một tài xế lái xe tải người Thổ Nhĩ Kỳ tên là Ali Dinc, đã kiện vợ mình ra tòa với lý do cô đã dám xúc phạm Tổng thống đương nhiệm của quốc gia này, Tayyip Erdogan. Dinc cho biết vợ anh liên tục “nói những lời tục tĩu không kể xiết” mỗi khi nhìn thấy Tổng thống Erdogan trên truyền hình, mặc dù cô biết rằng điều này khiến Dinc cảm thấy không hài lòng.

“Giọt nước làm tràn lý” khiến Dinc phải đưa ra quyết định khởi kiện vợ mình khi Tổng thống Erdogan đang có bài phát biểu trên truyền hình thì Dinc đã cảnh báo vợ của mình, cô gái có tên Gulcan, không được xúc phạm Tổng thống. Đáp trả lại lời cảnh báo của Dinc, Gulcan thậm chí còn đổi TV sang kênh khác.

Ali Dinc đã rất tức giận trước hành động của vợ mình và cho rằng đó là một sự xúc phạm không thể chấp nhận được, buộc Dinc phải quyết định khởi kiện vợ mình ra tòa. Trước khi nộp đơn lên tòa án, Dinc còn âm thầm ghi lại những lời lăng mạ mà vợ mình nhằm vào Tổng thống Erdogan như bằng chứng để chống lại cô trước tòa.

“Tôi đã liên tục cảnh báo cô ấy không được lăng mạ ông ấy. Tổng thống của chúng ta là một người tốt và làm được nhiều điều tốt đẹp cho Thổ Nhĩ Kỳ”, Ali Dinc chia sẻ với báo giới tại địa phương. “Ngay cả nếu cha tôi chửi thề và xúc phạm Tổng thống, tôi cũng sẽ không tha thứ cho ông ấy và sẽ khởi kiện ông ấy ra tòa”.

“Tôi đã rất yêu cô ấy, nhưng bây giờ thì không. Nếu cô ấy xúc phạm tôi, điều đó có thể chấp nhận được, nhưng tôi không thể chấp nhận việc cô ấy xúc phạm Tổng thống Erdogan”, Ali Dinc cho biết thêm.

Thanh Giang (Tổng hợp)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC