Nếu có một quốc gia nào trên thế giới sớm dính phải vận đen nhất trong năm 2016, thì đó hẳn phải là nước Đức. Trong khi ở Trung Quốc phải đến ngày 4.1 khi phiên giao dịch đầu tiên trên TTCK nước này gặp trục trặc, thì người Đức đã gặp phải vận đen ngay trong đêm giao thừa.
Dân Đức chán ngấy người nhập cư - Photo Reuters
Phần lớn được xác định là do người nhập cư gây ra
Lễ đón năm mới ở thành phố Köln (Cologne) tại Đức đã biến thành một sự kiện gây sốc với toàn bộ người dân nước này có lẽ chỉ kém một vụ nổ bom khủng bố, khi các vụ cướp giật, quấy rối và tấn công tình dục phụ nữ liên tiếp xảy ra. Phần lớn được xác định là do người nhập cư gây ra.
Những xung đột về sắc tộc và tôn giáo giữa các cộng đồng nhập cư liên tục gia tăng về số lượng, đặt nước Đức và Thủ tướng Angela Merkel đứng trước thách thức lớn nhất trong vấn đề ổn định xã hội từ trước đến nay. Nước Đức nhận 1,1 triệu người nhập cư trong năm 2015 vì nhân đạo và cả vì lý do kinh tế, nhưng giờ đây điều mà Đức phải đối mặt trước hết là những xung đột từ chính lý do kinh tế này.
Dễ hiểu khi tại sao cuộc hỗn loạn xảy ra ở lễ đón giao thừa ở Köln (Cologne) lại gây sốc cho người Đức đến thế. Trong suốt nhiều năm qua, Đức được xem là nước có an ninh và ổn định tốt nhất ở châu Âu, về nhiều khía cạnh còn vượt qua các nước Bắc Âu vốn được xem là hình mẫu cho ổn định và trật tự xã hội.
Điều này được biểu hiện ở nhiều khía cạnh, chẳng hạn như Đức là nước có mức chi phí cho lĩnh vực đảm bảo an ninh và trật tự xã hội thấp nhất ở châu Âu, chỉ đạt khoảng 1,5% GDP trong khi phần lớn các nước châu Âu lên tới 1,8%. Tỷ lệ nhân viên an ninh trên dân số ở Đức cũng thuộc diện thấp nhất châu Âu, khoảng 300 nhân viên/100.000 dân. Đa phần người dân Đức có ý thức tôn trọng quy định và pháp luật rất cao nên chính phủ không cần thiết phải duy trì bộ máy an ninh quá lớn.
Vụ việc ở Köln (Cologne) đã thổi bùng tất cả những bức bối đó. Đã có hơn 120 phụ nữ đến trình báo về việc họ bị tấn công trong lễ đón giao thừa, và phần lớn nghi phạm được xác định là người nhập cư. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi các cuộc biểu tình phản đối chính sách nhập cư của Thủ tướng Merkel bắt đầu diễn ra. Các nước châu Âu lân cận Đức như Pháp hay Anh thì bắt đầu cảnh báo dân cư về vấn đề người nhập cư, tránh để diễn ra sự việc như ở Đức.
Đó là lý do vì sao, đa số người dân Đức vốn quen với sự an toàn và trật tự trong xã hội, lại bị sốc đến thế trước vụ việc ở Köln (Cologne). Nếu như phần lớn người Đức thường có thiện cảm với người nhập cư đến từ Syria và Trung Đông trong thời gian đầu, thì điều này đang dần thay đổi trong thời gian gần đây. Các thị trấn và thành phố nơi đang tiếp nhận cộng đồng người nhập cư, phần lớn đều phàn nàn về tình trạng mất an ninh và trật tự, các vụ cướp giật, ăn trộm hay quấy rối phụ nữ liên tục tăng lên. Các cửa hàng ở các thị trấn và thành phố này bắt đầu phải thuê bảo vệ, người dân thì khóa cửa nhà vào buổi tối còn phụ nữ thì giờ đây không dám đi một mình vào rừng hay những nơi vắng vẻ.
Nhưng trên thực tế, thời điểm hiện tại vẫn còn quá sớm để nói về một cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo ở Đức. Số vụ rắc rối xảy ra liên quan đến người nhập cư ở Đức vẫn còn rất thấp so với con số hơn 1,1 triệu người nhập cư vào nước này trong năm 2015. Chưa kể phần lớn các vụ rắc rối này chỉ là những vụ vi phạm không nghiêm trọng như cướp giật hay ăn cắp. Vụ tấn công phụ nữ quy mô lớn ở Köln (Cologne) là một ngoại lệ diễn ra tại một sự kiện đông người và có thể ngăn chặn bằng cách tăng cường an ninh ở những sự kiện tương tự.
Việc xử lý các vấn đề liên quan đến sắc tộc và tôn giáo của người nhập cư gốc Hồi giáo trên thực tế không phải là chuyện mới với người Đức, khi nước Đức hiện đang có một cộng đồng nhập cư lên tới gần 10 triệu người, riêng cộng đồng Hồi giáo sống ở Đức đã lên tới 4 triệu, trong đó người Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 2,5 triệu. Chính vì đã có kinh nghiệm xử lý các vấn đề liên quan đến người Hồi giáo, nên những rắc rối nảy sinh gần đây liên quan đến người nhập cư Syria là chưa đủ để khiến chính phủ Đức lo ngại.
Và cũng cần phải thừa nhận một điều rằng, cảnh sát và hệ thống duy trì trật tự của Đức cũng có một phần trách nhiệm trong vụ việc ở Cologne. Việc sống trong một đất nước trật tự và yên ổn trong đó người dân có ý thức tôn trọng luật pháp khiến cho cảnh sát ở Đức ít phải đối mặt với những vụ việc khó khăn ngoài ý muốn. Chỉ số tin tưởng vào lực lượng cảnh sát của người dân Đức theo khảo sát là cao nhất ở châu Âu, rất ít khi cảnh sát ở Đức phải rút súng. Tính cả năm 2015, trên toàn nước Đức chỉ có khoảng 8 người chết do các vụ việc cảnh sát buộc phải nổ súng, một con số quá thấp với một quốc gia phát triển có dân số lên tới 82 triệu người như Đức, nếu như nhìn qua một nước tương tự là Mỹ.
Chính vì thế, dù tỏ ra không hài lòng với những rắc rối mới nảy sinh nhưng đa phần người dân Đức không có ý định muốn trục xuất người nhập cư ra khỏi nước này. Các cuộc biểu tình hơn 1.000 người ở Cologne để phản đối bà Merkel chủ yếu đến từ các đảng cực tả vốn không ưa chính phủ và có xu hướng sử dụng những vấn đề xã hội để gây sức ép đòi bà Merkel phải từ chức. Chính phủ Đức của bà Merkel cũng tuyên bố siết chặt quy định với những người nhập cư và sẽ sửa lại Luật nhập cư, theo đó những người vi phạm có thể bị trục xuất khỏi Đức.
Đức sẽ siết chặt trong việc quản lý các cộng đồng người nhập cư
Có thể dự đoán được, trong tương lai gần Đức sẽ siết chặt trong việc quản lý các cộng đồng người nhập cư, nhưng sẽ không trục xuất, thay vào đó sẽ tạo ra lộ trình để giúp họ hòa nhập vào xã hội Đức. Trên thực tế, người nhập cư vào Đức thường phải mất một khoảng thời gian nhất định mới hòa nhập được vào xã hội, thường là 9 tháng đến 2 năm. Họ sẽ phải học tiếng Đức trước khi tìm được một công việc. Lộ trình này có thể sẽ được chính phủ Đức thúc đẩy nhanh hơn khi Đức đang thiếu hụt nguồn lao động một cách trầm trọng. Tính đến tháng 5.2015, Đức đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Trong 5 năm qua, tính trung bình cứ khoảng 1.000 người Đức thì chỉ có 8,2 đứa trẻ được sinh ra.
Theo ước tính, nếu tốc độ suy giảm mức sinh cứ tăng như hiện nay, thì đến năm 2025 tổng số lao động ở Đức sẽ giảm khoảng 7 triệu người. Theo tính toán, trung bình hàng năm Đức sẽ phải nhập cư khoảng 400.000 người nếu như không muốn rơi vào cảnh thiếu thốn nhân lực cho nền kinh tế. Các lợi ích về kinh tế đến từ cộng đồng người nhập cư cũng ngày càng quan trọng hơn với nền kinh tế Đức. Tính đến năm 2012, số thuế mà 6,6 triệu người nhập cư nộp cho chính phủ Đức cao hơn 22 tỉ euro so với số tiền trợ cấp mà Đức dành cho họ khi mới đến nước này.
Vì thế, lẽ tất nhiên là sẽ không có chuyện Đức trục xuất người nhập cư vì những rắc rối có phần vặt vãnh này, thậm chí trong tương lai gần Đức sẽ còn tiếp tục đón nhận thêm một lượng người nhập cư lớn khác. Quy mô nền kinh tế Đức hiện nay còn đủ sức tiếp nhận thêm khoảng 1 triệu người nhập cư nữa, nhưng là theo một lộ trình nhất định, chứ không phải là nhận một lúc như năm 2015.
Với những nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa của Đức, việc tiếp nhận người nhập cư được xem như một hành động đầu tư lâu dài cho tương lai và họ sẽ không để những xung đột lẻ tẻ này cản trở quá trình đó.
Thu Hương - Tổng hợp theo KSTA.DE, Express.de, Deutsche Welle