Tôi phát hiện ra điều đó thời còn đi học thạc sĩ ở Australia. Có lần, tôi đăng ký làm luận khoa học về việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân ở Việt Nam.
Tôi đọc khá nhiều tài liệu về chủ đề này và phát hiện ra một ý nổi bật, là việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân ở Việt Nam gặp khó khăn do các khoản tự chi trả của người bệnh quá lớn.
Khoản tự chi trả này chịu sự tác động của nhiều yếu tố, có thể là do chính sách. Nhưng nó còn có một nguyên nhân tương đối đặc thù, bị đội lên bởi các khoản chi phí phi chính thức. Trong số đó có cái gọi là “phong bì”.
Bạn có thể tìm thấy ý này trong thư viện của Viện Y học Mỹ, trong kho lưu trữ của một đại học Tây Ban Nha, trong nghiên cứu của một học giả ở tận bên Bỉ... Văn hóa đưa và nhận phong bì khi cận kề sinh tử ấy không phải là điều phổ biến trên thế giới. Nó đáng nghiên cứu với nhiều học giả ở các nước phát triển.
Trong chuyên mục này, tôi từng kể câu chuyện của mẹ mình.
Khi phải nhập viện, bà đã liên tục trách móc tôi vì không chịu đưa phong bì cho bác sĩ. Nó trở thành một thói quen ám ảnh và người bệnh cảm thấy sợ khi những bệnh nhân giường bên đều “bồi dưỡng” cho bác sĩ còn mình thì không.
Tôi luôn giữ quan điểm rằng chẳng thầy thuốc nào bán rẻ danh dự và lương tâm vì vài cái phong bì. Nhưng cũng trong lần mẹ nhập viện, tôi phát hiện ra một điều kỳ lạ trên tấm biển nội quy treo ngay gần cửa ra vào khoa.
Ở phần dành cho bệnh nhân, có điều khoản cấm đưa phong bì cho cán bộ y tế. Thế nhưng, tréo ngoe là ở chiều ngược lại, nội quy dành cho cán bộ y tế thì lại không thấy có phần cấm nhận tiền.
Có thể là việc cấm nhận tiền đã được quy định bởi một quy chế nội bộ khác. Tôi không quy kết rằng bệnh viện miễn trừ trách nhiệm cho các bác sĩ nhận phong bì.
Nhưng bản nội quy ấy lại khiến tôi nghĩ đến một khái niệm khác: trách nhiệm của các bệnh nhân.
Với những quy định “cấm bệnh nhân đưa phong bì” được treo khắp nơi, ngành y tế đã mặc định rằng lỗi, trách nhiệm có thể từ bệnh nhân và người nhà. Trong khi đó, trong một mối quan hệ bất cân xứng mà bệnh nhân và người nhà ở thế yếu, đó không phải cách đặt vấn đề hợp lý, nếu muốn giải quyết vấn nạn phong bì đã nổi tiếng quốc tế kia.
Vậy điều cần đặt ra là gì?
5 năm trước, Bộ trưởng Y tế từng nói về nạn phong bì trong bệnh viện bằng một đề nghị với bệnh nhân: “Nếu thấy bác sĩ, điều dưỡng nào nhận phong bì thì chụp ảnh gửi cho chúng tôi”.
Đó là một đề nghị rất tốt. Nếu xác định rằng phong bì trong bệnh viện là biểu hiện của tiêu cực trong hệ thống dịch vụ công, thì việc toàn dân tham gia giám sát và ngăn chặn, là một tinh thần cần được khuyến khích. Nhưng sau một nhiệm kỳ của Bộ trưởng, người ta sẽ tự hỏi rằng sự giám sát này đã được khuyến khích như thế nào? Nếu phát hiện bác sĩ, điều dưỡng nào nhận phong bì thì gửi cho... ai?
Thay vì một số điện thoại đường dây nóng, hay hiểu theo nghĩa đen, là số điện thoại của chính Bộ trưởng, thì trên khắp các bệnh viện bây giờ lại là dòng “cấm đưa phong bì”.
Thay vì khuyến khích sự giám sát, thì thông điệp bây giờ lại là một dạng “cưa đôi” trách nhiệm với người dân; cho rằng họ có thể đóng vai trò “đồng đạo diễn” trong tiêu cực.
Việc cho rằng người dân mang 50% trách nhiệm trong tiêu cực, hay là tham nhũng, là một “bẫy tư duy” khá phổ biến khi đề cập tới vấn đề đưa và nhận phong bì.
Có thể bắt gặp dạng lập luận này không chỉ trong ngành y, mà trong lĩnh vực giao thông đường bộ, hay hành chính công. Nôm na, anh không đưa thì chẳng có ai nhận. Trong khi đó, ở thế yếu, mang tâm trạng phụ thuộc, thì ngay cả nếu người dân có lỗi, họ cũng không phải là điểm mấu chốt để giải quyết vấn đề.
Đó không phải là chuyện của riêng ngành y.
Tinh thần “Chụp ảnh gửi cho chúng tôi” lẽ ra đã có thể được khuyến khích trong ngành y suốt nửa thập kỷ qua. Và nó đáng ra đã phải là một phương thức san sẻ trách nhiệm được nhân rộng ở quy mô xã hội, áp dụng với bất kỳ lĩnh vực nào.
Ở bất kỳ đâu trên thế giới, từ Hong Kong cho đến Kenya, bạn có thể bắt gặp một tấm áp phích chống tham nhũng treo ở nơi công cộng, và nội dung của nó thế này: “Nếu tình nghi có tham nhũng, bạn hãy gọi ngay cho chúng tôi, theo số...”.
Người dân sẽ tự mang ý thức về trách nhiệm của mình, sẽ tự suy nghĩ sâu về việc có nên đưa phong bì và làm nhiều hơn thế để chung tay chống phong bì, nếu nhìn thấy ở đó một số điện thoại đầy minh bạch và cầu thị - không phải một câu “cấm”.
Nhưng việc đơn giản đó, đến nay chưa phổ biến. Việc “san sẻ trách nhiệm” trong chống tiêu cực đang được thực hiện theo một tư duy sai. Nó trở thành “cưa đôi việc chịu trách nhiệm”.
Nguồn: TẤT ĐỨC
VNEXPRESS