Lần đầu tiên trong lịch sử, cứ mỗi 4 xe ô tô mới được bán ra trên toàn cầu thì có một chiếc là xe điện. Sự bứt phá này phản ánh sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu – trong đó châu Âu đang tăng tốc, còn Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu.

1 Ky Luc Moi Tai Duc Cu 4 Xe Moi Lai Co 1 Xe Chay Dien

ảnh: iStock.com/3alexd

Doanh số xe điện toàn cầu bùng nổ, xe điện thuần tăng mạnh 42%, châu Âu vươn lên, Trung Quốc vẫn dẫn đầu

 

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang chứng kiến một bước ngoặt lịch sử khi doanh số xe điện đạt mức kỷ lục trong quý I năm 2025. Theo phân tích mới nhất của Công ty tư vấn PricewaterhouseCoopers (PwC), cứ mỗi 4 xe mới được đăng ký thì có 1 chiếc là xe chạy điện – bao gồm cả xe điện thuần (BEV) và xe hybrid sạc điện (Plug-in Hybrid).

Xe điện thuần dẫn đầu tăng trưởng

Trong số 16,7 triệu xe mới bán ra tại 40 thị trường lớn, có tới 2,7 triệu xe điện thuần và 1,4 triệu xe plug-in hybrid. Đáng chú ý, xe điện thuần tăng trưởng ấn tượng 42% so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc vẫn là trung tâm của cuộc cách mạng xe điện

Trung Quốc tiếp tục là động lực chính của sự bùng nổ xe điện, với doanh số xe điện thuần đạt 1,6 triệu chiếc – tăng 55%. Tuy nhiên, các hãng xe Đức lại chứng kiến sự sụt giảm tại thị trường này, với lượng xe bán ra giảm tới một phần ba. Dù vậy, nhờ doanh số mạnh mẽ tại quê nhà, các hãng xe Đức vẫn tăng trưởng 38% trên toàn cầu.

Tại Đức, lượng xe điện thuần bán ra tăng 39%, góp phần đưa thị trường xe điện ở châu Âu tăng trưởng tổng thể 28%, đạt 574.000 xe.

Xe Đức vươn lên, Tesla bị "soán ngôi" tại châu Âu

2 Ky Luc Moi Tai Duc Cu 4 Xe Moi Lai Co 1 Xe Chay Dien

Ảnh: BMW

Các mẫu xe của Đức ngày càng chiếm ưu thế tại châu Âu, dần thay thế Tesla trong các bảng xếp hạng đăng ký xe mới. Trong khi đó, tại Trung Quốc, Geely và Wuling chiếm lĩnh thị trường, còn tại Mỹ, Tesla vẫn thống trị với hai mẫu xe Model Y và Model 3.

Một số mẫu xe Đức như VW ID.4 và BMW i4 lọt vào top 10 tại Mỹ, dù vẫn còn khoảng cách lớn với Tesla.

Chuyên gia cảnh báo: Châu Âu cần tự chủ nguồn pin

Felix Kuhnert từ PwC nhận định: “Bất chấp những bất ổn địa chính trị và rào cản thương mại, các hãng xe Đức đã làm tốt bài toán cạnh tranh nhờ chất lượng và độ an toàn – điều đặc biệt quan trọng sau nhiều tai nạn liên quan đến xe Trung Quốc”. Tuy nhiên, ông cảnh báo việc giảm chi phí, đặc biệt là chi phí pin, là điều cấp thiết.

Jörn Neuhausen từ Strategy&, một công ty con của PwC, nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của việc tự chủ pin:

“Hiện hầu hết xe điện tại châu Âu đều sử dụng pin từ Trung Quốc. Châu Âu cần đầu tư vào sản xuất tế bào pin và xây dựng chuỗi cung ứng riêng.” Theo ông, điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt công nghệ mà còn là vấn đề then chốt cho tăng trưởng kinh tế trong thị trường trị giá hàng tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ euro.

Phạm Hương - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC