Việc chỉnh trang đường phố của đô thị là cần thiết, nhưng khi ngân sách địa phương đang khó khăn, thì chi 1000 tỷ đồng là phải cân nhắc.

Vẫn là tiền ngân sách nên phải cân nhắc

UBND quận 1 đã thống nhất kế hoạch chỉnh trang đô thị, nâng cấp vỉa hè toàn bộ tuyến đường trên địa bàn. Đá granite được lát ở các vỉa hè, đồng bộ hóa hạ tầng và báo cáo UBND TP HCM để xin thực hiện ngay trong quý II/2016. Dự án kéo dài đến năm 2019.

Hầu hết đá dùng để lát đợt này đều nhập từ Bình Định hoặc các tỉnh miền Trung. Theo UBND quận 1, số vốn thực hiện kế hoạch do các doanh nghiệp đầu tư, quận sẽ trả chậm trong 3-5 năm không tính lãi suất.

Trước thông tin về kế hoạch trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 29/3, ông Từ Minh Thiện - ĐB HĐND TPHCM cho biết: "Việc huy động nguồn vốn để phục vụ cho việc chỉnh trang đô thị là cần thiết, nhưng lát đá vỉa hè toàn bộ quận 1 thì thiết nghĩ là chưa phải làm ngay.

Bởi vì, trong suốt thời gian vừa qua, việc lát đá ở khu phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng nhận được nhiều ý kiến phản đối, không đồng tình, vì không hiệu quả cả về cảnh quan lẫn công năng. Hơn nữa, quận 1 là trung tâm của thành phố, nên việc triển khai càng phải được cân nhắc kỹ càng.

1000 tỷ lát granite vỉa hè TP.HCM: Nghịch lý cách tiêu tiền - 0

Đường phố đi bộ Nguyễn Huệ đã được lát đá granite

Bên cạnh đó, kinh phí để lát đá lên tới 1000 tỷ đồng, theo quận 1 cung cấp thông tin thì đây là tiền các doanh nghiệp huy động cho quận vay, đến năm 2019 mà không tĩnh lãi.

Nhưng đó là cho vay chứ không phải đầu tư không hoàn lại, nên không thể nói là không dùng tiền ngân sách.

Cuối cùng như vậy, vẫn là tiền của dân, 3 năm nữa, khoản tiền 1000 tỷ sẽ được trả ra sao, khi ngân sách địa phương ngày càng khó khăn, trong khi, khoản tiền thu được từ quảng cáo chưa rõ bao nhiêu".

Hơn nữa, theo ông Thiện, chúng ta cần phải xác định rõ dùng loại đá nào là phù hợp với điều kiện của thành phố.

Thực tế, hiện nay trên các vỉa hè có nhiều tuyến được lát đá từ thời Pháp, đá rất tốt và bền nếu đào lên rồi lát đá khác thì vô cùng lãng phí, nên phải giám sát chặt chẽ. Cụ thể, cần phải xem xét, số tiền đầu tư có phù hợp khả năng kinh tế của thành phố hay không, nếu chỉnh trang thì quận có đẹp hơn không, hiệu quả ra sao, tất cả phải được làm rõ.

"Tôi cũng rất lấy làm lạ, khi hiện nay các thành phố lớn đều sử dụng nguyên liệu thấm nước để giảm ngập trong mùa mưa, đá granite theo tôi biết không hề có ưu điểm này.

Nhìn thì đẹp nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề xử lý ngập úng nan giải của thành phố, khi mùa mưa đến muốn thoát nước bề mặt vô cùng khó.

Cho nên phải chọn loại đá phù hơp, có độ bền, tuổi thọ cao, tránh trường hợp làm 1 -2  năm rồi lại đào lên lấp xuống, điệp khúc muôn thuở vẫn đang tồn tại ở các thành phố, vô cùng lãng phí.

Mặt khác, phải có bài toán để làm sao người dân không bị ảnh hưởng công ăn việc làm, thu nhập của họ. Vì hiện nay, các vỉa hè ở quận 1 chủ yếu dùng buôn bán, để xe, nếu chưa giải quyết được vấn đề này thì chưa nên triển khai lát đá", ông Thiện phân tích.

Theo ông Thiện, dù là tiền vay doanh nghiệp để làm, thì vẫn phải trả, cuối cùng đó cũng là tiền của dân, nên làm gì cũng cần phải cân nhắc, cái gì cần thiết thì làm, dù chỉnh trang đô thị là một trong 7 chương trình trọng điểm cần thiết phải làm của thành phố, cũng cần phải xem xét.

"Thực sự với một dự án lớn như này, thì việc trưng cầu dân ý là cần thiết vì cuối cùng dân là người hưởng thụ nhưng họ sẽ tính toán cái giá để hưởng thụ thế nào cho hợp lý. Thiết nghĩ làm sao để người dân đồng thuận với mình mới là điều quan trọng", ông Thiện nói.

Còn nhiều việc phải làm

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề trên, ông Nguyễn Trần Nghĩa - ĐB HĐND TPHCM cho rằng, về ý tưởng lát đá trên các tuyến đường, bản thân ông rất tốt ủng hộ.

Thế nhưng, với số tiền lớn 1000 tỷ đồng thì còn rất nhiều việc phải làm, nên phải xem xét kỹ trong việc sử dụng. Ví dụ như hiện nay quận 1 còn nhiều khu dân cư phải được chỉnh trang, nhiều việc làm phục vụ cho xã hội cộng đồng cần trợ giúp.

Số tiền 1000 tỷ đồng là quá lớn, nó có thể được tận dụng để giúp cho công cuộc chống ngập thành phố.

"Thiết nghĩ, ban đầu chúng ta chỉ nên làm thí điểm vài tuyến đường, sau đó thì xem xét hiệu quả, đánh giá của người dân và cả du khách rồi triển khai rộng, không nên làm đồng loạt, khó thay đổi.

Tôi thấy, ban đầu quận chọn loại đá granite, tất nhiên với thời tiết mưa nhiều của TPHCM thì rất khó phù hợp. Nhưng thấy lãnh đạo quận có giải thích là khi thi công họ sẽ làm bề mặt nhám chống trượt, tôi cũng chưa hình dung ra được họ sẽ làm ra sao.

Một vấn đề khác, đó là hiện nay quận 1 còn chưa đồng bộ hết hạ tầng các đường lớn, thì việc lát đá các tuyến đường liệu có quá cần thiết. Nhiều trường hợp đào rồi lại lấp xuống vừa lãng phí lại tốn công sức.

Nên cần có dàn kỹ sư trưởng lên kế hoạch thực hiện cho toàn bộ thành phố. UBND thành phố khi xem xét kế hoạch, rất cần lấy ý kiến của chuyên gia giỏi chuyên môn, cũng như mong muốn của người dân để quyết định cho phù hợp", ông Nghĩa nói.

Bản thân ông Nghĩa cho rằng, số tiền 1000 tỷ đồng cần dùng vào những việc như giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, sự thiếu hụt các bến bãi đậu ôtô và xe máy, nhà vệ sinh công cộng, chống ngập cho thành phố thì ý nghĩa hơn nhiều.

Châu An/ Báo Đất Việt

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC