180.000 đồng một m³ nước sạchTheo quy định, giá nước sinh hoạt tối thiểu ở TP HCM đang là 2.740 đồng một m3. Nhưng lợi dụng tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân, một số người đã "cắt cổ" người mua với giá cao nhất lên đến 180.000 đồng một m3.

Dọc tuyến đường Lê Văn Lương thuộc xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) có khá nhiều “điểm đổi nước”. Đây là những nơi cung cấp nước miễn phí cho những hộ dân chưa được sử dụng nguồn nước máy. Tuy nhiên, nguồn nước này lại bị lợi dụng đem bán với giá từ 80.000 đến 90.000 đồng một m3, có lúc lên đến… 180.000 đồng một m3.

Người giàu cũng khổ

Dù sở hữu căn biệt thự khang trang, nhưng nhà ông Nguyễn Văn Hạnh (số 197/64/2A Lê Văn Lương - dự án Khu B, Làng đại học xã Phước Kiển), lúc nào cũng đau đầu về tình trạng thiếu nước sinh hoạt. “Cứ khoảng 2h tôi phải thức dậy để bơm nước vào bồn chứa loại 1.500 lít. Nhưng chưa được nửa bồn là đã hết nước. Từ 4h trở đi nước chảy rất yếu. Còn ban ngày hầu như không có giọt nước nào. Mỗi ngày tôi phải mua thêm khoảng ba xe nước với giá 45.000 đồng một xe loại 500 lít mới đủ dùng”, ông Hạnh nói.

Còn chị Phan Thị Thu Nga, số nhà 197/41D, kể, nguồn nước máy tại đây dù có giá khoảng 2.800 đồng một m3 cho 6 m3 định mức đầu tiên và 8.000 đồng m3 tiếp theo nhưng mỗi ngày chị phải mua thêm bên ngoài một, hai xe nước với giá 40.000 đồng một 500 lít nước. Ông Nguyễn Quốc Huân, nhà số 197/45/15, than: “Những lúc khan nước, các nhà thầu xây dựng nhà trong dự án này phải mua nước với giá 180.000 đồng một m3 chỉ để… trộn bê tông”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở xã Phước Kiển, ngoài dự án Khu ABC – Làng đại học là có hệ thống nước máy, còn lại các hộ dân khác đều phải dùng nước giếng để sinh hoạt. Nguồn nước uống của họ chủ yếu được cung cấp từ dự án cấp nước sinh hoạt nông thôn.

Ông Đặng Văn Thuận, số nhà 70 Lê Văn Lương (ấp 3, xã Phước Kiển), cho biết, mỗi ngày ông đều mang can nhựa loại 30 lít đến các “điểm đổi nước” để lấy nước về uống. Mỗi lần đổi nước phải trả phí từ 500 đến 1.000 đồng. Nếu giao hàng tận nơi, các điểm này thu từ 2.000 đến 4.000 đồng một can 30 lít gọi là “phí xăng xe và đầu tư trang thiết bị chứa nước”. Các điểm này đều trang bị sẵn xe ba gác để bán nước cho người dân với giá từ 40.000 đến 45.000 đồng một bồn 500 lít.

Người nghèo càng khổ hơn

Ngày 3/3, ghi nhận dọc theo các tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, Phạm Hữu Lầu, Đặng Nhữ Lâm và nhiều con hẻm thuộc khu vực quận 7, huyện Nhà Bè, các xe đẩy nước hoạt động rất nhộn nhịp. Ông Nguyễn Văn Ngà, chạy xe ba gác đổ nước tại ở phường Phú Thuận, Phú Mỹ (quận 7) và thị trấn Nhà Bè cho biết, trung bình một ngày ông chở nước khoảng 13 chuyến, có hôm chở gần 20 chuyến nhưng vẫn không đáp ứng đủ yêu cầu.   

180.000 đồng một m³ nước sạch_0
Những người chở nước thuê như ông Ngà làm cật lực vẫn không đáp ứng đủ yêu cầu. (Ảnh: Hữu Ký)

Ông Ngà cung cấp nước với giá từ 30.000 đến 50.000 đồng một m3, tùy quãng đường. Còn anh Nguyễn Trí Thức, ở khu phố 2 (phường Phú Mỹ, quận 7), kể, khoảng hai tháng nay nhà anh luôn thiếu nước sạch trầm trọng. “Nhà chỉ có bồn chứa nước loại 500 lít nhưng chờ bơm đến 7 lần mới đầy. Nhiều lần còn bị xe bồn bơm nước đục vào hệ thống đường ống cấp nước nên không sử dụng được”, ông Ngà nói.

Theo chị Đỗ Thị Nhân, ở khu phố 3 (phường Phú Mỹ), thì năm nay tình trạng thiếu nước còn nghiêm trọng hơn các năm trước. “Đường ống không có nước, mỗi tháng tôi phải tốn thêm hơn 500.000 đồng mua nước từ xe ba gác. Nhà đã nghèo càng thêm khổ”, chị Nhân than thở. Nhiều lúc xe ba gác không cung cấp đủ nước, người dân  ở đây phải tự đi mua nước với giá 2.500 - 3.000 đồng một bình 30 lít, gấp hơn 20 lần so với giá thông thường. Hữu Ký.

Theo Đất Việt.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC