Khoảng 18.000 tàu cá Trung Quốc dự kiến sẽ từ tỉnh Hải Nam tràn xuống biển Đông sau khi lệnh cấm bắt cá đơn phương của nước này kết thúc vào hôm 16-8.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của chính quyền Trung Quốc dẫn nguồn các quan chức tỉnh Hải Nam ước tính khoảng 18.000 tàu cá sẽ tràn xuống Biển Đông sau khi lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc kéo dài 108 ngày kết thúc hôm 16-8.
Tờ SCMP hôm 3-9 dẫn lời một ngư dân tên Bao ở cảng Tanmen, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc cho biết các tàu đánh cá đã ra khơi ngay sau khi lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của nước này được tháo dỡ vào hôm 16-8.
Người này khẳng định: “Không cần phải lo lắng gì cả vì chúng tôi có tàu của chính phủ bảo vệ”.
Đội tàu cá đông như kiến của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã
Cùng ngày lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc kết thúc, ông Gary Alejano – nghị sĩ Philippines thông báo đoàn tàu cá của nước này đã bị một tàu cá Trung Quốc truy đuổi. Dẫn nguồn tin quân đội, nghị sĩ Alejano cho biết đoàn tàu cá Trung Quốc được một tàu cảnh vệ và 2 hai tàu hải quân hộ tống. Ông Alejano nhận xét đây điều này "đáng báo động" và "mang tính đe dọa".
Bắc Kinh đã ngang ngược đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông năm 2017, thời hạn từ ngày 1-5 đến 16-8, bao gồm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, một phần vịnh Bắc bộ, và bãi cạn Scarborough.
Vào ngày 4-5 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - bà Lê Thị Thu Hằng từng nêu rõ Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình ở quần đảo Hoàng Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
“Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ quyết định đơn phương này của Trung Quốc vì đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại với tinh thần và lời văn của Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) mà ASEAN và Trung Quốc ký kết năm 2002, không phù hợp với xu thế phát triển của hai nước trong bối cảnh hiện nay, và không có lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực” - bà Thu Hằng nhấn mạnh.
NGỌC NHƯ - Pháp Luật TPHCM