3 tháng, 3 lần Cục trưởng Hàng không bị Bộ trưởng Thăng "bóc mẽ" Cục trưởng Lại Xuân Thanh. 

Chỉ trong khoảng 3 tháng trở lại đây, có ít nhất 3 lần Cục trưởng Cục hàng không bị Bộ trưởng Thăng "bóc mẽ", thậm chí có lần ông Thanh còn bị dọa cắt chức.

 'Bóc mẽ' chuyện delay của hàng không

Tại cuộc họp của Bộ GTVT sáng 11/7 tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục chậm, hủy chuyến bay, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết: 6 tháng đầu năm tỷ lệ chậm chuyến của các hãng hàng không trong nước là 20,9% (tăng 5,2% so với cùng kỳ 2013), tỷ lệ hủy chuyến là 3,2% (tăng 0,5% so cùng kỳ). 

Giải trình trước Bộ trưởng Đinh La Thăng, Cục trưởng Lại Xuân Thanh có một báo cáo khá dài và đưa ra 5 nguyên nhân dẫn đến chậm, hủy chuyến gồm: Do thời tiết, do khai thác của các hãng hàng không (kỹ thuật, máy bay về muộn, chờ khách…), trang thiết bị dịch vụ của sân bay thiếu, do tắc nghẽn không lưu và các nguyên nhân khác...
 
Trong 5 nguyên nhân này, nguyên nhân do khai thác của các hãng hàng không chiếm tỷ lệ cao nhất, 72,7%. Kế hoạch khai thác nhiều trong khi số lượng tàu bay hạn chế, thời gian quay đầu nhanh được Cục Hàng không lý giải là nguyên nhân chính yếu dẫn tới tình trạng chậm, hủy chuyến bay “tăng chóng mặt” thời gian qua.

Liên tục ngắt lời Cục trưởng Lại Xuân Thanh, đặc biệt khi Cục trưởng Thanh lúng túng trình bày các giải pháp khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến, Bộ trưởng Đinh La Thăng gay gắt:

“Báo cáo của Cục Hàng không chưa làm rõ vấn đề. Các anh chưa nhận ra khuyết điểm của anh, của ngành hàng không thì chưa thể có giải pháp hữu hiệu được”.


“Tại sao năm ngoái tỷ lệ thấp, năm nay lại tăng cao, phải làm rõ mấu chốt này. Khách hàng là thượng đế mà bắt thượng đế lang thang, vật vờ ở sân bay, thái độ của nhân viên thì không tốt, thiếu tôn trọng hành khách. Phải xem đây là lỗi chung, sự xấu hổ chung của toàn ngành”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.Không bằng lòng với phân tích của Cục trưởng Thanh, Bộ trưởng Thăng nói thẳng tỷ lệ chậm, hủy chuyến tăng trong nửa đầu năm nay là “không thể chấp nhận được”, vì số lượng máy bay đang dôi dư nhiều do Vietnam Airlines giảm tần suất bay Trung Quốc. Cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho khách quan như thời tiết, sân bay hay tại các hãng, mà trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan quản lý rồi mới đến các hãng. 

"Ông Thanh chưa nhận ra được khuyết điểm của mình và ngành Hàng không thì chưa thể có giải pháp được. So sánh phải nhìn lên, thấy người ta hơn mà học hỏi. Còn, một khi tình trạng hàng không như hiện nay mà ông vẫn vui vẻ, vô cảm thì còn chậm còn hủy và rồi hòa cả làng, không ai chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng đánh giá.

Đưa ra nhiều ví dụ minh chứng Cục Hàng không chưa làm “tròn vai”, Bộ trưởng chỉ rõ khuyết điểm của Cục Hàng không là còn tư duy quản lý nhà nước theo lối đá bóng trách nhiệm, không nhận thức được vấn đề chậm, hủy chuyến trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính Cục Hàng không. 

“Đầu tiên anh Thanh phải nhận trách nhiệm của mình đến đâu, trách nhiệm của Cục Hàng không Việt Nam đến đâu? Giải pháp đầu tiên để giảm tình trạng chậm hủy chuyến là phải đổi mới toàn diện Cục Hàng không Việt Nam, đây là giải pháp số một. Có Cục Hàng không mà từ giá cả một bát mỳ tôm ở sân bay cũng phải đến Bộ trưởng giải quyết, vậy Cục Hàng không làm gì?", Bộ trưởng yêu cầu Cục hàng không “phải thay đổi suy nghĩ, phải thể hiện trách nhiệm”. 
 
“Giải pháp đầu tiên để giảm chậm chuyến là phải đổi mới toàn diện triệt để Cục hàng không Việt Nam, chứ không phải bắt hãng nọ hãng kia ngừng việc chậm, hủy chuyến, Cục phải thấy được sự trì trệ, chậm đổi mới của mình”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.
 
Trước lập luận sắc bén của Bộ trưởng Thăng, Cục trưởng Lại Xuân Thanh thừa nhận đúng là Cục Hàng không lâu nay chưa đi sâu vào các nguyên nhân dẫn đến chậm, hủy chuyến bay nên chưa phân tích được thấu đáo các nguyên nhân và việc tìm giải pháp khắc phục mới chỉ đang… “khởi động”.
 
Cục trưởng Thanh dứt lời, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói luôn: “Các anh chưa làm hết trách nhiệm của mình. Các anh chê trách doanh nghiệp thế có biết người ta lăn lộn như thế nào để kinh doanh hay không. Tôi đã từng nói nhiều lần, quản lý nhà nước phải nhảy xuống bơi cùng doanh nghiệp chứ đừng đứng trên mà hướng dẫn. Phải bơi để biết nước lạnh hay nóng, sóng to hay nhỏ, có vật cản hay không. Có như thế mới hiểu được doanh nghiệp cần gì, phải làm gì để gỡ khó cho doanh nghiệp".

Bộ trưởng yêu cầu ngay trong tháng 7/2014, Cục Hàng không phải xây dựng, hoàn thiện Đề án đổi mới toàn diện nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hàng không, thực hiện ngay việc giám sát việc chậm hủy chuyến, nội dung, kết quả phải công bố công khai.

'Dọa' trảm Cục trưởng Cục Hàng không
 
Chiều 25/6, tại trụ sở Bộ GTVT đã diễn ra cuộc họp về sự cố máy bay của Hãng hàng không Vietjet hạ cánh nhầm sân bay do Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì.

Tại cuộc họp, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không - Bộ Giao thông Vận tải báo cáo, sau khi xảy ra sự việc máy bay của Hãng hàng không Vietjet hạ cánh nhầm sân bay, Cục Hàng không đã triển khai thủ tục điều tra kịp thời. 

3 tháng, 3 lần Cục trưởng Hàng không bị Bộ trưởng Thăng bóc mẽ_0

Đánh giá về nguyên nhân xảy ra sai sót, ông Lại Xuân Thanh nói:

"Lỗi đầu tiên thuộc về nhân viên khai thác, phòng thủ tục bay, cơ trưởng và tổ bay. Cơ trưởng đã không thực hiện việc hội ý của tổ bay, tức là phải trao đổi với nhau, phân công nhiệm vụ chuyến bay trước chuyến bay, đó là quy định bắt buộc. Mặc dù chuyến bay chưa gây ra sự uy hiếp an toàn chuyến bay nhưng tính chất sự cố và lỗi như thế này là lỗi nghiêm trọng về khai thác và có tiềm ẩn nguy cơ rất cao về an toàn vì triển khai được đến tiếp viên nhưng không triển khai được đến tổ lái kế hoạch bay thay đổi. Triển khai được đến Công ty phục vụ mặt đất nhưng không triển khai được đến bộ phận khác".

 
Tuy nhiên, khi phát biểu kết luận buổi họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: Trách nhiệm đầu tiên của Cục Hàng không chứ không phải Vietjet. Vì sao Vietjet đang trong quá trình bị giám sát, nhưng Cục lại không giám sát chặt? Người đứng đầu ngành giao thông cũng chất vấn: “Việc không xảy ra tai nạn trong trường hợp này có yếu tố may mắn, nhưng trường hợp máy bay hết xăng giữa chừng sẽ ra sao?”. “Nếu tất cả đều đúng mà vẫn xảy ra hiện tượng này thì tôi cách chức anh Thanh, phải làm rõ nguyên nhân không phải để kỷ luật ai, mà để khắc phục, không lặp lại tình trạng này”, Bộ trưởng Thăng khẳng định.
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu họp lại với Cục Hàng không, Tổng công ty Quản lý bay, cảng hàng không kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan. “Khiển trách trực tiếp Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam vì báo cáo thông tin chậm, có hiện tượng bưng bít thông tin. Tổ chức phối hợp trên một cảng hàng không chưa tốt, còn hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau” - Bộ trưởng yêu cầu. Bộ trưởng cũng giao Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu chỉ đạo từ vụ việc này rút kinh nghiệm, bổ sung ngay vào Luật Hàng không đang sửa đổi để quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý Nhà nước của các doanh nghiệp, của các cơ quan liên quan đối với vấn đề an toàn hàng không.
 
Phê bình vì chưa có thái độ cầu thị

Sau khi thông tin trên website http://www.sleepinginairports.net xếp loại CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất của Việt Nam vào danh sách 10 Cảng hàng không kém nhất năm 2014 tại Châu Á, Cục HKVN đã đưa ra ý kiến phản bác. Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, chất lượng dịch vụ tại cảng hàng không sân bay đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét.

“Qua tìm hiểu trang mạng nêu trên, Cục HKVN được biết việc xếp hạng cảng hàng không thuần túy dựa trên việc bình chọn của người truy cập qua mạng. Trang mạng nêu trên không phải của một tổ chức chuyên môn đánh giá về dịch vụ hàng không. Kết quả bình chọn nêu trên chưa phản ánh được đầy đủ, khách quan việc cải thiện chất lượng dịch vụ tại CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong thời gian qua” - Cục Hàng không với người đứng đầu là ông Lại Xuân Thanh khẳng định.

Tuy nhiên, đề cập đến việc Cục Hàng không phủ nhận xếp hạng của website Sleepinginairports với sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài vào nhóm 10 sân bay kém nhất châu Á, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng cho rằng việc Cục phản bác ngay là chưa cầu thị. Lẽ ra khi bị xếp loại như vậy, Cục phải xem lại thực trạng ở các sân bay ra sao trước khi phản bác.

"Tôi đã trực tiếp phê bình ông Thanh (ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không). Hành khách bình chọn như thế là khách quan. Tôi là người dân, là hành khách đánh giá chứ không liên quan gì đến mạng chính thống hay không", Bộ trưởng Thăng nói.

Ông Thăng cho biết chưa đi và chưa sử dụng hết dịch vụ ở các sân bay châu Á nên khó đưa ra so sánh. Nhưng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang quá tải. Nhiều hành khách đến chờ nối chuyến không có chỗ ngồi nghỉ; dịch vụ kém, cung cách phục vụ chưa tốt.

Theo Bộ trưởng Đinh la Thăng, hành khách đi máy bay, đến sân bay và sử dụng dịch vụ tại sân bay nên đánh giá của họ là khách quan. Rõ ràng hạ tầng và dịch vụ ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất là kém; Cảng hàng không, sân bay là của ngành GTVT nên ngành phải có trách nhiệm.

“Tôi chưa đi hết các sân bay châu Á, tôi cũng chưa sử dụng hết các dịch vụ ở sân bay nên khó để đưa ra so sánh. Nhưng thực tế là sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang quá tải. Nhiều hành khách đến sân bay hoặc chờ nối chuyến ở sân bay không có chỗ ngồi nghỉ. Hệ thống nhà vệ sinh mới được nâng cấp sửa chữa khang trang hơn chứ trước kia thì rất tệ. Dịch vụ ở 2 sân bay này cũng còn kém, wifi yếu, cung cách phục vụ của nhân viên cũng chưa tốt...” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận xét.

Người đứng đầu ngành GTVT thậm chí còn hài hước nói rằng, sân bay của chúng ta rất may đã không lọt top "tệ nhất thế giới".

Theo Bộ trưởng, Cục Hàng không cần rà soát những mặt tốt và chưa tốt để từng bước lên kế hoạch khắc phục, theo đó phải chấn chỉnh những gì chưa cần phải đầu tư như thái độ cư xử, phục vụ hành khách.

QUÁCH HOÀNG- GIAODUC.VN




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC