Giữa những nhân vật xuất hiện tại lễ trao giải thưởng bình chọn của khán giả mà VTV tổ chức tối qua, 7/9 tại Hà Nội, 2 thầy giáo cắm bản là những người thật đặc biệt.
Bởi họ mang theo cái ngượng ngùng, bỡ ngỡ của những người sống ở miền núi Quế Phong, Nghệ An, họ rụt rè giữa những “ngôi sao” truyền hình lộng lẫy. Nhưng họ đại diện cho những bức chân dung đẹp nhất về sự tử tế của con người.
Lớp học của thầy trò Tri Lễ 4. Ảnh do thầy giáo Nguyễn Hồng Hiệp cung cấp
2 thầy là đại diện cho tập thể 41 thầy giáo cắm bản ở trường tiểu học Tri Lễ 4 huyện miền núi Quế Phong, nơi mà địa hình khó khăn và đường sá đi lại khó khăn đến mức không có cô giáo nào trụ lại được.
Vậy là 41 thầy giáo đã gắn bó với 6 điểm trường đặt tại các bản của người Mông, có người 15 năm, có người 10 năm, người trẻ nhất thì đã vài năm gắn bó.
Qua một chặng đường bùn nhão đến kiệt sức, có thầy phải nằm lại bên vệ đường nghỉ lấy sức. Ảnh do thầy giáo Nguyễn Hồng Hiệp cung cấp
Chặng đường các thầy đến với trò trải qua biết bao hiểm nguy rình rập, thầy nào cũng ngã, người thì rách mặt, người thì gãy tay, người thì trật khớp gối trên những đoạn đường bùn mưa lầy lội, mệt thì nằm nghỉ ở ven đường 1 lúc, đỡ mệt lại đi.
Họ không cho phép mình nản chí bởi phía trước, sâu trong những bản người Mông, là 400 đứa học trò đang chờ đợi để được học cái chữ.
Học trò của các thầy đi học có đứa còn nhịn đói, áo quần rách rưới, chân đất lội bùn, nên các thầy thương lắm, đi xin đồ chơi Trung thu cho chúng để chở vào phát cho từng đứa.
Có đứa bé ngỡ ngàng vì lần đầu tiên được ôm một con gấu bông. Nhìn niềm vui trong mắt trong, các thầy quên đi mệt nhọc.
Ở bản sóng điện thoại không có, điện thoại mang theo chỉ để làm cảnh, để mở ra xem ảnh vợ con cho đỡ nhớ trong những đêm buồn.
41 thầy giáo già trẻ ở đây mãi rồi cũng quen.
Quen với việc lương thực thiếu thốn vì xa chợ trung tâm, đầu tuần lên mang theo được gì thì mang, cuối tuần chỉ có đồ khô với rau rừng, bắp chuối.
Lũ trẻ vây quanh xe chở đồ chơi Trung Thu. Ảnh do thầy giáo Nguyễn Hồng Hiệp cung cấp
Nhìn những thước phim, hình ảnh mà các nhà báo ghi lại về cuộc sống của 41 thầy giáo cắm bản ở Tri Lễ 4, có lẽ không ai không cảm thấy nghẹn ngào.
Đó là những hiệp sĩ thật sự, đó là những bức chân dung đẹp nhất về sự tử tế của con người.
Họ bỏ lại đằng sau mình cha mẹ già, vợ con, phó thác hết cho người vợ ở quê để lên đây cắm bản.
Họ gắn bó với lũ học trò người Mông, đem cái chữ đến cho chúng, từ chỗ không có trẻ nào được đến trường, trong 6 bản người Mông đã có học trò được đi học đại học, cao đẳng. Nếu không có sự hy sinh thầm lặng của các “thầy giáo hiệp sĩ” ấy, 400 học trò sẽ ra sao.
Trong lễ trao giải tối qua tại Hà Nội, 2 thầy được cử đi đại diện cho tập thể 41 thầy về thủ đô nhận giải “Nhân vật của năm” do khán giả VTV bình chọn.
Họ lúng túng, ngại ngùng khi đứng trước đông đảo ống kính trong trường quay, để nói về những công việc lặng thầm của mình. Những hình ảnh của lễ trao giải hoành tráng đó, không biết có về được đến các điểm trường của Tri Lễ 4, nơi mà cuộc sống còn bao nhiêu vất vả khó khăn.
Con đường khó khăn của các thầy giáo cắm bản đến với học trò. Ảnh do thầy giáo Nguyễn Hồng Hiệp cung cấp
Cuộc sống này luôn đẹp hơn bởi những người tử tế như các thầy giáo cắm bản ở Quế Phong, Nghệ An.
Những người không so đo tính toán thiệt hơn, vượt lên cái đói nghèo, vất vả để mang con chữ đến cho trẻ em vùng cao, chấp nhận thiệt thòi. Bởi “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai”.
Những thầy giáo cắm bản, cô giáo cắm bản như họ, đang có mặt ở khắp các vùng cao, vùng sâu vùng xa khó khăn trên cả nước.
Họ không biết đến những món quà giá trị ngày lễ tết, ngày nhà giáo, không được gần gũi cha mẹ, vợ con, bỏ lại gia đình, họ chấp nhận đến với những nơi gian khổ nhất để làm nhiệm vụ đi gieo những hạt giống của tri thức. Xin gửi đến các thầy cô giáo cắm bản một lời biết ơn chân thành nhất!
Sự tử tế lặng thầm của những người tốt vẫn như một mạch ngầm chảy trong cuộc sống, để nuôi dưỡng cho cuộc đời, cho các thế hệ tương lai những điều đẹp đẽ không gì so sánh được. Đó là món quà vô giá, đẹp nhất mà con người có thể mang đến cho nhau.
Nguồn: Mi An
Báo Đất Việt