5 năm với 21 lần đường ống vỡ, người dân thủ đô đã nhận cái kết quá đắng lòng. Cuộc sống của họ vẫn tiếp tục phụ thuộc vào đường ống dẫn nước rởm, trông chờ vào sự may rủi của số phận, ngoài ra chẳng biết làm gì hơn.

Ngày 19.6, đường ống sông Đà tiếp tục gặp sự cố lần thứ 21 

Nếu nói đến công trình “gây ấn tượng nhất thế kỷ” của thủ đô Hà Nội, chắc chắn sẽ không có công trình nào qua mặt được đường ống nước sông Đà.

Bởi công trình nào cũng chỉ được báo chí nhắc đến lúc khởi công và khi khánh thành đi vào hoạt động, còn riêng đường ống này, với 21 lần gặp sự cố trong suốt 5 năm, mọi giới hạn đã bị vượt qua.

Các bản tin về sự cố đường ống nước sông Đà trên báo chí suốt 5 năm nay đã trở nên nhàm chán, khi chỉ cần thay con số thứ tự lần vỡ ống, địa điểm và ngày tháng là lại có một bản tin mới.

Nhưng đó là với những người làm báo, còn đối với người dân, nhất là những hộ thuộc con số 177.000 hộ đang dùng nước từ đường ống sông Đà, đó là một thảm kịch được nhân lên tới 21 lần.

Trẻ em, người già không được tắm, không có nước nấu ăn, áo quần bẩn không được giặt, mua bình nước Lavie về đánh răng, chuyển cả nhà ra nhà nghỉ để “chạy nạn” những ngày mất nước, cuộc sống đảo lộn…

Đó là những chuyện mà dân thủ đô đã buộc phải làm quen, giữa thời bình, còn khổ hơn thời chiến tranh.

5 năm 21 lần vỡ ống nước sông Đà: Đường ống dẫn nước rởm và sự bất lực của người dân - 0

Đường ống nước sông Đà lại gặp sự cố lần thứ 21 vào ngày 19.6

Nhưng dân quen được thì dân tự chịu, 5 năm nay, 21 lần rồi.

Có lẽ chuyện vỡ đường ống nước sông Đà đã không còn làm cho vị cán bộ nào cảm thấy “nhức nhối” nữa.

Một vụ án đã khởi tố với các quan chức của Vinaconex có lẽ đã làm cho nhiều người có trách nhiệm cảm thấy đã hoàn thành trách nhiệm với người dân?

Tính đến lần vỡ ống thứ 18, số tiền bỏ ra khắc phục là hơn 13,5 tỷ đồng cho đường ống tai họa này, và đương nhiên, con số vẫn chưa thể dừng lại ở đó.

352 giờ ngừng cấp nước trong 5 năm là một con số khó có thể chấp nhận.

Trong khi ấy, rất nhiều người bị khởi tố trong vụ án “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” ở Vinaconex còn được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự vì đã khai báo thành khẩn, hợp tác với cơ quan công an để làm rõ bản chất vụ án, có nhân thân tốt, không vụ lợi.

Ngày 19.6, đường ống sông Đà tiếp tục gặp sự cố lần thứ 21, sau khi cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố ông Phí Thái Bình- Nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vinaconex, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội vào ngày 22.5 trước đó.

Ông Phí Thái Bình- tưởng đã thoát khỏi vụ án này vì “nhân thân tốt, không vụ lợi” gây nhiều phản ứng bức xúc trong dư luận cuối cùng đã bị đề nghị xem xét xử lý trách nhiệm.

5 năm với 21 lần đường ống vỡ, người dân thủ đô đã nhận cái kết quá đắng lòng.

Cuộc sống của họ vẫn tiếp tục phụ thuộc vào đường ống dẫn nước rởm, trông chờ vào sự may rủi của số phận, ngoài ra chẳng biết làm gì hơn.

Loại bỏ những yếu tố khách quan, cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng, những công trình hư hỏng, xuống cấp thảm hại khi mới đưa vào sử dụng đang ngày một xuất hiện nhiều là sự phản chiếu chính xác nhất cho nhân phẩm sa sút của một bộ phận người Việt.

Đó là những người Việt có chức có quyền, được giao cho trọng trách ký duyệt những dự án ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người, nhưng có lúc họ đãng trí, vô trách nhiệm và vô cảm.

Và người dân, không có cách nào khác ngoài chịu đựng, cho dù sự kiên nhẫn đã bị bào mòn đến kiệt cùng.

Nguồn: Mi An

Báo Đất Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC