Chưa lấp xong, mỗi năm lại có thêm hàng trăm km đường được đào bới khiến hầu hết tuyến phố bị xé nát. Cảnh người dân sống chung với ngập lụt ít nhất sẽ kéo dài 5 năm nữa như nhìn nhận của Giám đốc Sở Giao thông công chính TP HCM
Đăng đàn đầu tiên phiên chất vấn kỳ họp HĐND TP HCM sáng nay, Giám đốc Sở Giao thông Trần Quang Phượng ngập trong các câu hỏi bức xúc của đại biểu và cử tri xung quanh những vấn đề suy giảm chất lượng cuộc sống người dân do nạn đào đường tràn lan, ngập nước mỗi năm nhiều hơn năm trước.
"Đã qua 14 kỳ họp nhưng kẹt xe ngập nước còn ngổn ngang tức là vẫn chưa có giải pháp căn cơ. Vấn đề giao thông ảnh hưởng đến phát triển của thành phố rất nhiều nên Sở cần có những biện pháp triệt để hơn với các đơn vị thi công", đại biểu HĐND Lê Văn Trung nêu thực trạng hiện nay của thành phố.
Có một thực tế rõ ràng là trong nhiều năm nay câu nói cửa miệng của mọi người là: kẹt xe. Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa xe leo lên lề để đi, phố Lý ChínhThắng sáng chiều tối đều tắc, không có chỗ cho người đi bộ. Tan tầm, nhiều người không về mà rủ nhau vào quán ngồi chờ hết ách đường.
Đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa đúc kết: "Hiện toàn thành phố có 85 tuyến đường bị đào nhưng quan trọng là cường độ làm việc lại rất uể oải, tiến độ hoàn thành liên tục được gia hạn". Cử tri Trần Công Bình ở quận 4 bổ sung, đường Tôn Đức Thắng gần cảng Ba Son khi lô cốt rút đi lại hiện diện ổ gà làm người dân khổ sở khi đi ngang đây. "Chắc giám đốc đi xe hơi nên không thấy được nỗi khổ này của dân", ông Bình hỏi.
Người dân quận 8 tát nước mỗi khi đợt triều cường. Ảnh: Kiên Cường. |
Giám đốc Sở giao thông tỏ ra khá "chuyên nghiệp" khi trả lời những chất vấn xung quanh chuyện đường, nước; bởi hầu như cứ kỳ họp HĐND nào những bức xúc này cũng được đề cập theo quy trình: chất vấn - giải trình - đổ lỗi khách quan - hứa hẹn.
Lần này, ông Phượng cũng thừa nhận có nhiều vấn đề tồn tại về tiến độ thi công các công trình lô cốt. Song ông cho rằng: "Nếu phấn đấu nhiều lắm thì đến năm 2012 mới giải quyết một phần ngập nước, đào đường tại khu vực trung tâm thành phố". Theo ông Phượng, để giải quyết đồng bộ 3 nguyên nhân: triều, mưa, xả lũ cần khoảng 4 tỷ USD, xử lý nước thải cũng tốn ngần đó tiền, cộng thêm gần 12.000 tỷ đồng chống triều cường. "Đó là số tiền rất lớn", người đứng đầu ngành giao thông thành phố nhận định.
Nhiều đại biểu cũng đưa ra câu hỏi về trách nhiệm của Sở Giao thông, UBND TP HCM liên quan đến những vết nứt ở 4 đốt hầm Thủ Thiêm và sự kiện Giám đốc Ban quan lý dự án Đại lộ Đông Tây Huỳnh Ngọc Sĩ bị đình chỉ vì nghi vấn nhận hối lộ.
Tuy nhiên ông Phượng cho rằng, dự án đại lộ Đông Tây thuộc nhóm A, do UBND TP HCM quản lý chứ không phải Sở giao thông. Giáo dục toàn bộ công nhân viên Ban quản lý dự án này cũng không phải chức năng của Sở. Mọi vấn đề liên quan khác đều ngoài tầm Sở nắm được.
Rác thải nguy hại đổ về thành phố gây bức xúc trong người dân. Ảnh: Thiên Chương. |
Nhiều vấn đề liên quan đến môi trường của thành phố được các đại biểu đặt câu hỏi trong phiên chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Đào Anh Kiệt.
Trong năm nay, hàng loạt vụ đổ rác thải nguy hại, tình hình ô nhiễm môi trường mà mới đây nhất là vụ Công ty Môi trường đô thị chôn rác thải nguy hại ở bãi Đông Thạnh, đã bị phát hiện.
Theo đại biểu Lê Thượng Mãn, ngành Tài nguyên vừa quản lý, kiểm tra vừa làm dịch vụ là đá bóng lại thổi còi, nên mới dẫn đến tình trạng công ty Môi trường đô thị nhận chất thải nguy hại từ các tỉnh về thành phố mà không bị kiểm tra.
Trong khi đó việc xử lý nước thải y tế vẫn dậm chân tại chỗ. Ở huyện Bình Chánh dân dùng nước ngầm bị ô nhiễm, Sở Tài nguyên biết mà cũng không thông báo cho dân. Ngoài ra việc tồn tại một công ty dược mà 12 năm không có báo cáo giám sát tác động môi trường, Công ty Vissan di dời từ năm 2004 đến nay vẫn chưa xong, xử lý đối với công ty Hào Dương làm ô nhiễm môi trường... cũng được các đại biểu chất vấn ông Kiệt.
Việc xử lý chất thải rắn, chất thải y tế, phân loại rác tại nguồn, Giám đốc Sở TNMT một lần nữa tiếp tục hứa sẽ triển khai trong năm 2009.
Đức Cường
Theo VnExpress.