Than của Việt Nam chất lượng kém nên dù có bán giá rẻ cho Trung Quốc vẫn khó. Trung Quốc thường mua với số lượng lớn nhưng giá rất bèo.

 

Bán cho Trung Quốc vẫn thiệt

Theo ông Phố, có một nghịch lý đang xảy ra tại Việt Nam, đó là than trong nước dư thừa nhiều nhưng hàng năm chúng ta vẫn phải nhập một khối lượng lớn than từ nước ngoài để phục vụ nhà máy nhiệt điện cũng như các ngành sản xuất.

Lý giải điều này, vị chuyên gia cho rằng có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, than Việt Nam chất lượng kém, quá nhiều đất đá và cám.

Thứ hai là giá than của Việt Nam so với các nước trong khu vực và thế giới vẫn còn rất cao. Tồn tại trên xuất phát từ việc chúng ta sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu và khai thác ở dưới lòng đất, hầm cát sâu với điều kiện kém khiến giá thành bị đẩy lên cao, chất lượng than kém.

“Xử lý 9 triệu tấn than không phải là việc đơn giản và có thể giải quyết ngay được. Bây giờ TKV chỉ còn cách là xuất khẩu giá rẻ hoặc tự bản thân tập đoàn này phải cải thiện chất lượng của than.

Tuy nhiên than Việt Nam xấu nên khi xuất khẩu, chủ yếu là bán cho Trung Quốc sẽ bị ép về giá cả.

Điều này không thể tránh khỏi. Chúng ta không thể cạnh tranh được than có chất lượng tốt và giá thành tương đối rẻ của Indonesia, Úc hay Brazil.

Thực tế Trung Quốc thường mua nhiều, không hạn chế về số lượng nhưng giá cả rất bèo. Họ không mua về sử dụng trực tiếp mà chủ yếu xử lý lại. Do đó việc xuất khẩu cho Trung Quốc cũng không phải là giải pháp tốt”, ông Phố lo ngại.

PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cũng đánh giá cao chỉ đạo của Chính phủ trong việc yêu cầu TKV xử lý 9 triệu tấn than tồ kho.

Theo ông Khiển, nhu cầu than trong nước hiện nay rất lớn. Ngoài việc phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện như Na Dương (Lạng Sơn), Duyên Hải 1 (Trà Vinh)... than còn được dùng nhiều trong các ngành công nghiệp.

“Than của Việt Nam hình thành cách đây hơn 200 triệu năm và hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu về chất lượng để chạy các nhà máy nhiệt điện và phục vụ cho các lĩnh vực khác nữa.

Tôi nghĩ chất lượng không có vấn đề gì cả. Chỉ có 1 số nơi cần than cốc thì chúng ta do còn yếu nên bắt buộc phải nhập khẩu. TKV gần như độc quyền cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện vì vậy tôi thấy rất lạ khi tập đoàn này không thể bán được than và để tồn kho một số lượng lớn như vậy.

Hơn nữa việc nhập khẩu than còn là bài toán của các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp cảm thấy nhập ở Indonesia hay các nơi khác rẻ hơn trong nước thì họ sẽ sẵn sàng nhập khẩu.

Cái quan trọng là TKV phải xem, tại sao họ có than mà doanh nghiệp lại phải nhập khẩu. Tại sao Việt Nam có than mà giá lại cao hơn so với các nước khác. Đây là nghịch lý”, ông Khiển nhấn mạnh.

Về ý tưởng xuất khẩu than giá rẻ, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển cho rằng việc này phụ thuộc rất nhiều vào yêu cầu của các đối tác. Với Trung Quốc thường không yêu cầu quá cao nên Việt Nam có thể dễ xuất khẩu. Tuy nhiên với những thị trường khó tính thì việc xuất khẩu cũng không phải đơn giản.

“Tôi thấy chỉ đạo của Thủ tướng là rất cần thiết. Theo đánh giá của tôi, nếu TKV được xuất khẩu hết thì sẽ có lợi nhuận cao hơn so với bán trong nước. Phải chăng việc này có vấn đề lợi nhuận doanh nghiệp hay có những nhóm chi phối việc đó?”, ông Khiển đặt câu hỏi.

9 triệu tấn than tồn kho: Lại bán rẻ cho Trung Quốc? - 0

Than của Việt Nam chất lượng kém nên dù có bán giá rẻ cho Trung Quốc vẫn bị thiệt. Trung Quốc thường mua với số lượng lớn nhưng giá rất bèo. Ảnh minh họa

Phải tự nâng cao chất lượng

Để giải quyết vấn đề trên, GS.TS Phạm Phố cho rằng cách tốt nhất là TKV phải tự nâng cao chất lượng than để cạnh tranh với than nhập khẩu cũng như đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Vị chuyên gia phân tích: “Việt Nam cần nhập thêm 1 số thiết bị đãi để nâng cao chất lượng than lên. Hiện nay thiết bị của chúng ta đang quá lạc hậu. Khi có máy móc tốt thì phải đãi lại, xử lý lại than để thải bớt đất đá còn lẫn.

Hướng thứ hai là có thể dùng lò đứng để nung than lên tạo thành cốc. Nếu tạo cốc sẽ bán được cho các nhà máy tại Thái Nguyên và Formosa. Nhu cầu cốc của các nhà máy này rất lớn nhưng hiện nay họ vẫn phải nhập cốc với số lượng lớn từ nước ngoài”.

Theo nhận định của GS.TS Phạm Phố, khi Việt Nam nâng cao chất lượng của than thì hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và hạn chế nhập khẩu trong nước.

“Tôi nghĩ việc này không hề khó. Nếu làm tốt thì Bộ Công Thương có thể hạn chế nhập khẩu từ than của Indonesia để ưu tiên sử dụng than chất lượng tốt trong nước”, ông Phố nhấn mạnh.

Trong khi đó,  PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển đề nghị TKV phải minh bạch hóa tất cả các quá trình sản xuất kinh doanh. Từ việc khai thác than dưới lòng đất lên; quá trình vận chuyển, phân loại than cho tới hoạt động xuất khẩu, cung cấp cho khách hàng ở Việt Nam.

“TKV phải giải thích tại sao Việt Nam có sẵn nguồn than mà giá thành lại đắt hơn so với mặt hàng này vận chuyển từ các quốc gia khác tới. Việc này liên quan đến vấn đề giám sát và phải công khai, minh bạch. Cơ quan quản lý nhà nước không thể chỉ tin tưởng vào báo cáo của TKV”, ông Khiển nêu quan điểm.

Nguồn: Hoàng Nam
Báo Đất Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC