Trong khi đi xe máy chỉ 30 phút, tức là mất hẳn 150 phút ngồi trên xe buýt không để làm gì. Phí công lao động lắm.
Khi khảo sát chắc họ chừa tôi ra?
Anh Phạm Minh Đạt (30 tuổi, phường Đại Mỗ, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội) tỏ ra bất ngờ với kết quả điều tra, khảo sát, phỏng vấn xã hội học của Công an Hà Nội cho biết, có tới hơn 90% người dân ủng hộ cấm xe máy vào năm 2030.
Anh Đạt thắc mắc, Công an Hà Nội đang thực hiện khảo sát ai, khảo sát thế nào?
"Chắc khi khảo sát họ đã chừa tôi ra? Hay vì tôi không phải người quê gốc Hà Nội nên không được hỏi?. Tôi thật sự bất ngờ, chỉ khi Hà Nội công bố kết quả trên tôi mới biết có cái khảo sát đó và có chủ trương cấm xe máy từ 2030", anh này nói.
Cũng theo anh Đạt, nếu Hà Nội quyết tâm thực hiện cấm xe máy chắc anh phải dọn về quê sống.
"Bây giờ mà cấm xe máy thật thì tôi cảm giác mình như bị cụt chân ý", anh này nói vui "Có khi tôi xin gia nhập hội khuyết tật Việt Nam".
Vẫn giữ suy nghĩ chung của nhiều người dân, anh Đạt trầm ngâm đặt câu hỏi: "Hà Nội cấm xe máy tôi đi bằng gì?".
Không cần đợi câu giải thích như đã có phương tiện xe công cộng hay đổi sang mua ô tô, anh Đạt nói tiếp: "Tiền mua ô tô tôi không có, đi xe đạp thì xa, chỗ tôi trọ xe buýt không tới nơi. Vậy tôi sẽ đi làm bằng gì"?, anh Đạt nhắc lại câu hỏi.
Người này cho biết, từ chỗ anh ở là làng Giao Quang, phường Đại Mỗ, nếu muốn đi ra được điểm xe buýt thì phải đi bộ mất khoảng 2-3 km.
Rồi từ điểm xe buýt đầu tiên để đến được chỗ làm anh sẽ phải đi ít nhất hai chặng xe buýt và phải dừng lại cách nơi làm việc khoảng 3-4 km đi bộ.
"Như vậy, nếu bình thường 8h tôi đi làm thì bây giờ tôi sẽ phải bắt đầu đi từ 6h cũng chưa chắc đã kịp".
Theo anh Đạt, thời gian ấy, sức đấy anh để làm việc khác hiệu quả hơn, kinh tế hơn.
"Tôi ví dụ thế này cho dễ hiểu: Cơ quan tôi ở Trung Hòa, Nhân Chính, nếu 17h tan tầm mà đi xe buýt thì 20h mới về được tới nhà. Trong khi đi xe máy chỉ 30 phút, tức là mất hẳn 150 phút ngồi trên xe buýt không để làm gì. Phí công lao động lắm", anh Đạt tính toán.
Khi được hỏi Hà Nội đang thực hiện theo lộ trình và đến 2030 mới cấm xe máy, anh Đạt cũng gạt ngay.
"Tôi không ưu tiên lựa chọn xe buýt. Thời sinh viên tôi đi xe buýt mãi rồi. Đi xe buýt không chủ động được thời gian, chất lượng xe thì tồi, đông nghẹt giờ cao điểm, mất cắp thường xuyên... chưa kể, do tính chất công việc thường xuyên phải vào ngõ ngách, xe buýt không thể đáp ứng được", anh Đạt nói.
Anh này cho biết, kể cả trong trường hợp Hà Nội có cam kết sẽ nâng cấp đường xá, hạ tầng, nâng cấp chất lượng, dịch vụ xe buýt thì đến năm 2030 cũng không thể cấm được xe máy.
"Nếu nâng cấp, cải thiện thì xe buýt đáp ứng được tới mức yêu cầu bảo xuống chỗ nào là dừng chỗ đó theo ý khách không?
Với lại, Hà Nội có cam kết được sẽ đúng giờ, đúng 5 phút có một chuyến là 5 phút có không? Tôi e là rất khó. Hay trong trường hợp phải đi cấp cứu thì sẽ thế nào, nếu không bắt được taxi tôi có phải bắt buộc đợi xe buýt không? Trong khi chỉ cần nhanh chậm 1 phút thôi là cũng có thể cứu sống được một mạng người rồi", anh Đạt nghi ngại.
Tương tự, chị Nguyễn Thi Mai (Hà Đông, Hà Nội) cũng khẳng định "tôi tuyệt đối không ủng hộ việc cấm xe máy".
Chị Mai ngạc nhiên hỏi:
"Tôi không hiểu con số 90% người dân ủng hộ cấm xe máy là họ lấy từ đâu ra?. Họ cần phải chứng minh cho người dân thấy thì thông tin trên mới có giá trị". Chị Mai khẳng định: "Tôi chắc không nằm trong số được khảo sát".
Chị Mai cho biết, chị không phản đối chủ trương cấm xe máy, tuy nhiên ở điều kiện của Việt Nam hiện nay việc cấm xe máy là rất bất cập.
"Xe buýt bất tiện về khoảng cách di chuyển giữa các bến. Xe buýt không đáp ứng được yêu cầu cả về thời gian và chất lượng phục vụ. Nếu chỉ nói với tôi đang nâng cấp, tăng ưu điểm thì sẽ không thuyết phục được tôi đi xe buýt... Tôi chỉ tự hỏi, nếu xe buýt thật sự nhiều ưu điểm thế thì tại sao dân vẫn không thể tự nguyện đi xe buýt?", chị này thắc mắc.
Một vấn đề nữa cũng được chị Mai đề cập tới đó là nguyên nhân gây ùn tắc.
Theo chị Mai, chủ trương cấm xe máy của Hà Nội là nhằm giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, chị Mai đặt nghi ngờ vì khi cấm xe máy, số lượng ô tô sẽ tăng lên, vậy khi đó tắc đường có giải quyết được không? Lấy đâu chỗ để đỗ xe....?
"Tôi sẽ ủng hộ nếu Hà Nội cấm cả xe máy lẫn ô tô", chị Mai nói.
Cũng cho rằng nguyên nhân tắc đường là do ô tô, chị Trịnh Phương Mai (La Khê, Hà Đông) cũng cho rằng "Hà Nội phải cấm ô tô không phải cấm xe máy".
"Ô tô không phải diện phương tiện đại trà nhưng lại chiếm đường, chiếm chỗ, gây ô nhiễm nhiều nhất, vì vậy, nếu cấm phải cấm ô tô không phải xe máy", chị này thẳng thắn.
Tương tự với hàng loạt những người dân khác khi được hỏi cũng đều có chung câu trả lời: "Không thể cấm được xe máy".
Họ đều lý giải, điều kiện của Việt Nam chưa phù hợp, phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi các đoạn đường xe buýt không vào được, phải đi bộ quá xa, quá nhiều.
"Nếu đi khoảng 2km dưới cái nắng 40 độ C của Hà Nội thì thật kinh khủng", anh Nguyễn Sơn (Hà Nội) cho biết.
Không cấm được
Chia sẻ quan điểm về vấn đề trên, một vị chuyên gia cho biết, khảo sát của Hà Nội chỉ mang tính "minh họa".
Vị này cho rằng, kết quả khảo sát phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp khảo sát, người thực hiện khảo sát, đối tượng được lựa chọn để khảo sát và đặc biệt là cách đặt vấn đề khi đưa ra khảo sát.
"Tôi khẳng định, nếu được hỏi có đồng ý cấm xe máy không thì có đến 90% người dân nói không. Còn nếu hỏi có đồng ý cấm xe máy theo lộ trình không? hoặc có đồng ý tới năm 2030 sẽ cấm xe máy không thì 99% đều trả lời đồng ý nhưng phải có phương tiện thay thế", vị chuyên gia nói.
Tuy nhiên, ông khẳng định ngay, việc sử dụng từ "cấm xe máy", "hạn chế phương tiện cá nhân" là hoàn toàn không phù hợp.
Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, ông cho rằng kể cả có thực hiện theo lộ trình tới năm 2030 cũng khó có thể cấm hay hạn chế được xe máy.
Vì vậy, từ thích hợp nhất phải là "thay thế dần phương tiện xe cá nhân", vị này nói.
Vẫn khẳng định lại quan điểm trước đó, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp (ĐH Bách khoa TP HCM) cho hay, trong bối cảnh phát triển đô thị đang diễn ra quá dữ dội như hiện nay, việc lưu thông bằng xe máy là rất bất tiện. Tuy nhiên, không phải vì như vậy mà có thể nói cấm xe máy là cấm được ngay.
Theo đó, vị chuyên gia cho rằng cần phải thực hiện theo lộ trình, lộ trình này có thể phải kéo dài trong vài chục năm.
Lộ trình đó là có thời gian để doanh nghiệp sản xuất xe máy chủ động rút dần đầu tư trong nước. Lộ trình đó để người dân thay đổi phương tiện mà không bị mất của, lãng phí...
Tuy nhiên, về hạ tầng giao thông không đáp ứng được, phương tiện công cộng không đủ, ngay cả việc đầu tiên là cần phải phủ kín các metro thì không làm được. Chưa quy hoạch xong các metro, kinh phí không có, trong khi công trình, dự án nào cũng đội vốn, kéo dài thời gian.
Metro chưa được phủ kín đã đòi người dân phải bỏ xe máy là khiên cưỡng, không thuyết phục.
"Tôi có thấy Hà Nội nói tới năm 2020-2030 là cấm triệt để xe máy. Việc này không thực hiện được. Tôi ví dụ, đặt mục tiêu đến năm 2025 phải cấm xe máy, như vậy năm 2030 Hà Nội phải làm được cái gì rồi? Năm 2029 Hà Nội đã có được cái gì rồi lúc đó mới tính chuyện cấm xe máy".
Nguồn: Hoài An
Báo Đất Việt