“Lúc nào doanh nghiệp cũng mong muốn lao động tăng ca, tăng năng suất lao động nhưng lại không muốn đầu tư cho lao động. Bữa ăn giữa ca có 9.000 đồng thì ăn gì?” – ông Mai Đức Chính – Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nói trong buổi giao ban với báo chí mới đây.
Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, 10 tháng đầu năm 2015 có tới 15 vụ ngộ độc bếp ăn tập thể khá nghiêm trọng tại các doanh nghiệp (DN). Mặc dù thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tìm nhiều biện pháp chấn chỉnh nhưng tỷ lệ ngộ độc bữa cơm giữa ca vẫn thường xuyên xảy ra.
Đến cuối 12.2015, khi Tổng Liên đoàn ban hành Nghị quyết chấn chỉnh về vấn đề đảm bảo an toàn trong bếp ăn tập thể thì tình trạng này mới được kiểm soát và giảm nhẹ.
Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào cuối năm 2016 cho thấy, tới nay đã có 25.545 DN có công đoàn cơ sở tổ chức bữa ăn giữa ca cho người lao động, chiếm 58,7% tổng số DN.
Trong đó có 9.041 DN tổ chức bữa ăn ca tại chỗ (35,39%).
Có 6.680 DN thuê nhà cung cấp bữa ăn cho lao động (chiếm 26,15). Có 5.841 DN phát tiền ăn cho lao động (chiếm 22,87%) và hơn 3.000 DN hỗ trợ một phần cho bữa ăn giữa ca cho người lao động. Có 709 DN hỗ trợ bằng các hình thức khác (chiếm 2,8%).
Theo ông Mai Đức Chính, hiện nay quy định của pháp luật không bắt buộc phải có bữa ăn giữa ca cho lao động, nên Tổng Liên đoàn đang vận động đưa nội dung này vào thỏa ước lao động tập thể để DN buộc phải có bữa ăn giữa ca cho người lao động.
Bữa cơm 12.000 đồng thực chất chỉ còn có 9.000 đồng nếu DN thuê công ty dịch vụ nấu ăn (Ảnh Internet).
“Vừa rồi chúng tôi xuống than khoáng sản, lao động ở đây được ăn bữa ăn tự chọn luôn, bởi công việc của họ nặng nhọc. Một suất cơm của họ có thể lên tới 30-40.000 đồng.
Còn lại, đa phần DN có vốn đầu tư nước ngoài hoặc tư nhân thuê công ty dịch vụ nấu ăn. Mà các công ty dịch vụ thì còn phải trừ các chi phí điện nước, nhân công, lợi nhuận, nên nếu bữa là 12.000 đồng thì thực chất ra đến miệng người lao động chỉ còn 9.000 đồng.
Giá cả như thế buộc các công ty dịch vụ phải mua thực phẩm, ôi thiu, cá chết… điều này dẫn tới tăng nguy cơ ngộ độc trong bữa ăn của công nhân” – ông Chính nói.
Hiện nay Tổng liên đoàn cũng yêu cầu Công đoàn cơ sở, ngoài việc tham gia thương lượng về tiền ăn thì cũng cần giám sát chất lượng, số lượng bữa ăn. Tránh việc các công ty dịch vụ cấu kết với quản lý "xà xẻo" vào số tiền ít ỏi trong bữa cơm của người lao động.
“Chưa thể kiểm định được thế nào là thực phẩm sạch, nhưng ít nhất việc giám sát có thể giúp đảm bảo để các bếp ăn không được sử dụng thực phẩm ôi thiu, bốc mùi, ngâm hóa chất. Không thể để bữa ăn giữa ca chỉ có vài miếng đậu phụ, vài cọng rau muống. Ăn như vậy thì lao động lấy sức đâu để tăng ca, tăng năng suất lao động, nói gì đến đảm bảo sức khỏe”- Ông Chính nêu quan điểm.
Sắp tới trong khi sửa Luật lao động thì sẽ tác động để Chính phủ đưa bữa ăn giữa ca thành quy định bắt buộc giống tiền lương. Khi đó, doanh nghiệp bắt buộc phải đưa nội dung này vào thỏa ước lao động, giống chế độ lương thưởng.
Cũng trong khảo sát trên, trong số các DN tổ chức bữa ăn giữa ca cho công nhân thì có 18.248 DN có bữa ăn giữa ca từ 15.000 đồng trở lên (chiếm 71%). Còn lại 7.297 DN có bữa ăn giữa ca thấp hơn 15.000 đồng.
Nguồn: Dân Việt