Nếu so với mức thu nhập thực tế hộ gia đình được lấy làm chuẩn cho tầng lớp này, số người trung lưu của Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ 50%.
Số liệu vừa được Viện nghiên cứu về đời sống và con người khu vực Đông Nam Á Hakuhodo (Hill ASEAN), một tổ chức nghiên cứu độc lập được thành lập bởi Tập đoàn Hakuhodo (Nhật Bản) nghiên cứu và công bố.
Theo báo cáo này, số người Việt Nam tự nhận mình thuộc tầng lớp trung lưu cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Nếu Singapore có số người tự nhận mình ở tầng lớp trung lưu là 83%, Malaysia là 72%, Thái Lan 80% thì con số này ở Việt Nam lên tới 96%.
Chỉ có 2% người Việt Nam tự nhận mình nghèo, 2% còn lại thừa nhận thuộc tầng lớp thượng lưu.
Theo Hill ASEAN, tầng lớp trung lưu được xác định dựa vào thu nhập. Nếu so với thu nhập thực tế hộ gia đình với chuẩn 3.000-15.000 USD/năm để xác định tầng lớp này thì số người Việt Nam đủ chuẩn chỉ chiếm 50%.
Nhưng nghiên cứu cho thấy, một phân khúc lớn những người xác định mình thuộc tầng lớp trung lưu bất kể thu nhập thực tế.
Những người này khéo léo tìm ra cách để sống mơ ước bằng việc không ngừng cân bằng thu nhập và chi tiêu, để không bị ràng buộc bởi mức thu nhập hiện có.
Họ thực hiện bằng cách làm thêm nghề tay trái để tăng thu nhập, kiểm soát chi phí (nhu mua hàng khuyến mại dự trữ) hoặc chuyển đổi chi phí vào thu nhập tương lai.
Hill ASEAN cũng khảo sát và công bố nhiều khác biệt thú vị về tầng lớp trung lưu tại Hà Nội và TP HCM. Trong 2.500 phiếu khảo sát tại 2 thành phố lớn nhất này, có 92% người TP HCM tự nhận mình thuộc tầng lớp trung lưu, con số tại Hà Nội là 83%.
Tại TP HCM, những người thuộc tầng lớp này cho biết, họ đang cố gắng tiến vào tầng lợp thượng lưu bằng các phương thức riêng của cá nhân mình, không phụ thuộc vào ý kiến của cộng đồng. Người TP HCM luôn tìm mọi cơ hội để thúc đẩy bản thân, chấp nhận rủi ro tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Trái lại, tầng lớp trung lưu ở Hà Nội bày tỏ thái độ cố gắng bằng mọi cách giữ vị trí hiện tại để không bị rơi xuống tầng lớp thấp hơn.
Mọi người đều cố tìm kiếm sự ổn định và không mạo hiểm, hài lòng với công việc hiện tại, thay vì đầu tư thì họ dồn tiền kiếm được vào tiết kiệm. Khi quyết định các vấn đề của bản thân, người Hà Nội đều phải dựa vào thái độ cộng đồng.
Cuối năm 2014, Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) cũng đưa ra dự báo tầng lớp trung lưu ở khu vực ASEAN sẽ tăng rất mạnh khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, với khoảng 110 triệu người vào năm 2015.
Trong số này có khoảng 14,7 triệu người Việt Nam, chiếm gần 26,6% lực lượng lao động.
Theo ILO, lực lượng trung lưu khu vực ASEAN sẽ đạt gần 130 triệu người trong năm 2018. Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng tầng lớp trung lưu nhanh nhất khu vực kể từ năm 1991 tới nay, chỉ sau Indonesia. Năm 2018, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 17,7 triệu người, chiếm hơn 30% lực lượng lao động.
Trong khi đó, con số của Hill ASEAN, tầng lớp trung lưu của khu vực Đông Nam Á sẽ đạt khoảng 300 triệu người vào năm 2020.