ADB sẽ lập quỹ hỗ trợ khẩn cấp chống suy thoáiChủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Haruhiko Kuroda, vừa cho biết ngân hàng này sẽ thiết lập một quỹ cho vay khẩn cấp trị giá 3 tỷ USD để giúp đỡ cho các nước đang phát triển thành viên đối phó với khủng hoảng tài chính trong giai đoạn 2009-2010.

Quỹ hỗ trợ ngược chu kỳ (CSF) này sẽ cung cấp những gói cho vay khẩn cấp theo cách nhanh hơn và rẻ hơn so với các chương trình cho vay hiện tại của ADB.

“Tôi tin rằng, đây sẽ là một sáng kiến rất đáng hoan nghênh đối với các nền kinh tế đang suy giảm và điều quan trọng nhất là, bảo vệ các nước nghèo khỏi những ảnh hưởng tồi tệ nhất từ cuộc khủng hoảng”, ông Kuroda nói.

Phát biểu tại cuộc họp báo nhân Hội nghị thường niên của ADB lần thứ 42 tại Bali (Indonesia), ông Kuroda cho hay, kế hoạch này đang chờ Ban lãnh đạo ADB thông qua. CSF sẽ được áp dụng đối với các nước thành viên ADB đủ điều kiện vay từ nguồn vốn thông thường của ngân hàng này.

Tuyên bố của ông Kuroda về CSF được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Ban lãnh đạo ADB đồng ý tăng gấp ba vốn cơ bản của ngân hàng từ 55 tỷ USD lên 165 tỷ USD. Đây là quyết định tăng vốn lớn nhất trong suốt 43 năm hoạt động của ADB và cũng là lần tăng vốn đầu tiên kể từ năm 1994.

Theo ông Kuroda, việc tăng vốn cơ bản tới 200% này sẽ giúp nâng cao khả năng của ngân hàng trong hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu.

ADB có thể cung cấp bổ sung 10 tỷ USD từ nguồn vốn thông thường cho mục tiêu chống khủng hoảng trong vài năm tới, đồng thời tạo cho ngân hàng khả năng tài chính theo đuổi ưu tiên thúc đẩy phát triển khu vực về dài hạn.

Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định, khủng hoảng tài chính toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng tới các nước châu Á và tình hình này còn kéo dài tới hết năm 2010. Dự đoán, tăng trưởng kinh tế trung bình của châu Á sẽ giảm xuống 3,4% trong năm nay, so với mức 6,3% trong năm 2008.

Theo ADB, do khủng hoảng toàn cầu, hơn 60 triệu người dân trong khu vực sẽ phải sống trong cảnh nghèo khổ trong năm 2009 và thêm gần 100 triệu người trong năm 2010. Hiện 1/4 dân số các nước đang phát triển thành viên không được sử dụng điện và chỉ gần 20% được tiếp cận với nước sạch.

Thành lập năm 1966, Ngân hàng Phát triển châu Á có 67 nước thành viên, trong đó 48 quốc gia thuộc khu vực châu Á. Mục tiêu của ADB là hỗ trợ xóa đói giảm nghèo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế, phát triển môi trường bền vững và tăng cường hội nhập khu vực.

Theo Vietnamnet.





 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC