Muốn thưởng thức bún mắm Nam bộ, bạn chịu khó đến đường Nguyễn Nhữ Lãm, quận Tân Phú. Ăn cơm gà xối mỡ ở đường Ba Đình, quận 8; còn đổi vị với món Bắc thì về khu vực trung tâm quận 1.
Ẩm thực vỉa hè Sài Gòn có đặc điểm thường quy tụ về một nơi, một xóm, một phố, một phường đông vui.
Phố bún mắm
Đường Nguyễn Nhữ Lãm, quận Tân Phú, có đoạn chỉ dài khoảng 200 m nhưng trên 100 hàng quán, trong đó hơn 20 quán bán bún mắm. Vì vậy, con đường này còn được gọi con đường bún mắm.
Bạn có thể chọn xuất xứ như bún mắm Sóc Trăng, Châu Đốc, Trà Vinh… và cả bún mắm Sài Gòn. Điểm cộng cho khu vực ẩm thực tại đây là ngồi ở quán này có thể gọi món ăn ở quán khác. Ngoài ra, trên đoạn đường này còn có các món khác như chè, cháo, hủ tíu mì Tàu, mì Quảng, mì Italia, bò bít tết, phở, bánh cuốn, cơm tấm, cơm gà, cháo vịt… Các quán bán từ 5h sáng đến 12h khuya.
Đường Ba Đình, phường 10, quận 8 cũng được thực khách gọi là “con đường cơm gà xối mỡ”. Bắt đầu từ đoạn cầu Nguyễn Tri Phương rẽ vô đường Ba Đình chỉ vài chục mét nhưng có khoảng 6 quán bán cơm gà. Thực tế chỉ có khoảng hai, ba thương hiệu nhưng “bành trướng” ra các nhà kế bên. Cơm gà xối mỡ ở đây giòn, thơm, giá cả bình dân.
Đường cơm gà xối mỡ
Ngoài ra, trên đường Hậu Giang, phường 2, quận 6, cũng có 4 quán bán cơm gà xối mỡ chất lượng, giá bình dân. Nước xốt ở đây ngọt ngọt, mặn mặn - lạ miệng. Cao cấp hơn là khu vực đường Huỳnh Mẫn Đạt, quận 5, với 5-7 quán, có thêm các món gà ác tiềm, gà hấp…
Đường cơm gà xối mỡ nhộn nhịp nhất từ khoảng chiều tà cho đến tối.
Đổi vị với món Bắc
Khu trung tâm quận 1, ở góc đường Nguyễn Huệ - Hải Triều có một dãy quán ăn chính tông gốc Bắc đã hơn 20 năm. Tuy tạo thành dãy nhưng chỉ có hai quán Cấm Chỉ và phở Hà. Thực đơn của Cấm Chỉ phong phú với các món phở, miến, món nhậu, xôi… Đặc trưng nhất vẫn là món trứng non và ngọc kê. Trên bàn thường dọn kèm lạc rang húng lìu, bánh quảy nhỏ và ớt khô, nước mắm, tương đen, tương ớt. Quán mở cửa từ 3h30 chiều đến 5h sáng hôm sau.
Phố tiềm
Con đường ăn uống Phan Xích Long mà nhiều người quen gọi là đường 41 ở quận 11, khá đông đúc với khoảng 20 quán san sát nhau. Con đường bán đủ món từ hủ tíu, bún mắm, cháo, sinh tố… Phong phú nhất vẫn là các món tiềm, súp bong bóng cá, cháo đầu cá, cháo thập cẩm, cháo hải sản… nấu theo kiểu người Hoa. Món nổi tiếng hàng chục năm nay ở đường 41 là gà ác tiềm thuốc bắc, ngầu pín tiềm, súp bong bóng cá. Cứ tối đến, cả đoạn đường sáng trưng, tiếng mời khách lẫn với tiếng xào nấu xôn xao.
Đại lộ ẩm thực
Chạy dọc đường Nguyễn Tri Phương, thuộc phường 8 và phường 9 quận 10, chắc chắn bạn sẽ thấy choáng vì độ phủ và đa dạng của quán xá nơi đây. Nói đến phở, có khoảng 5-6 thương hiệu như phở 24h, phở 5 Sao, phở Hùng, phở Quỳnh, phở Tương Lai… Các quán bán đặc sản miền biển, lẩu xiên, lẩu nướng… có hơn chục căn.
Đồ ngọt nổi tiếng lâu nay trên đoạn đường này là chè Thái, chè lạnh có khoảng 4 tiệm với quy mô khá hoành tráng, chè nóng cũng có 2 quán. Gần chục cửa hàng bán yến sào, chè yến các loại. Cửa hàng bán thức ăn nhanh KFC, pizza Domino, cơm gà, bánh cuốn, bánh canh ghẹ, bánh mì. Rồi nào là trà sữa, yogurt, kem… có hơn 10 tiệm. Ngoài ra, tại góc đường Nguyễn Tri Phương - Vĩnh Viễn còn có 2 quán bán hủ tiếu Nam Vang.
Phố của họ nhà… lẩu
Món lẩu hiện nay vô cùng phong phú với đủ cách nấu, đủ loại nguyên liệu đang hội tụ về đất Sài Gòn. Nếu mỗi ngày bạn đi ăn một món lẩu khác nhau ở thành phố này thì phải mất hơn nửa tháng mới tạm gọi là điểm danh đủ mặt họ nhà lẩu. Từ món lẩu dê tên tuổi, lẩu bò ngon mà rẻ, lẩu đầu cá, lẩu cá kèo dân dã, lẩu hải sản phong phú, lẩu mắm đậm đà; cho đến lẩu chua đủ cung bậc, chua của me, chua của lá giang, của mẻ, của khế... Còn nếu chọn một món lẩu nào đó như lẩu dê chẳng hạn, thì đi ăn cả tháng trời chưa chắc đã hết các quán bán món này.
Một số khu vực bán lẩu ở thành phố: quận 1: khu Nguyễn Công Trứ, lẩu dê. Quận 3: khu Ngô Thời Nhiệm - Trương Định, lẩu bò, lẩu dê. Khu Bà Huyện Thanh Quan - Sư Thiện Chiếu, lẩu cá kèo. Quận 5: khu Huỳnh Mẫn Đạt - lẩu dê, lẩu thập cẩm. Khu Châu Văn Liêm - Nguyễn Trãi, lẩu đầu cá.
Phố ốc sầm uất
Nói đến ăn vỉa hè không thể thiếu món ốc, vì nó là món ăn đặc trưng “quán cóc” thứ thiệt của Sài Gòn. Đa số quán ốc mở cửa từ chiều đến tối khuya, ban đầu như để dành cho dân nhậu. Rồi tiếng lành đồn xa, quý bà quý cô, khách văn phòng… bắt đầu ghé đến; giới trẻ cũng thích lể ốc vừa rẻ ngon vừa vui. Và món ốc trở thành “cao thủ” ăn vặt Sài Gòn.
Ốc có nhiều cách chế biến như hấp, luộc, nướng, xốc, um với bơ, tỏi, me, ớt, sa tế… Hầu hết các gia vị chấm làm ngon. Ngoài ốc, quán còn kèm cua, ghẹ, hột vịt lộn, khô mực, khô cá khoai…
Hiện những phố ốc nổi tiếng ở Sài Gòn với mức độ sầm uất phải kể đến là dãy quán hai bên đường Thành Thái, quận 10, bán từ trưa cho đến khuya, đèn đuốc sáng choang. Ít ồn ào hơn là phố ốc trên đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3 và hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc, quận 3. Có tiếng từ lâu có xóm ốc hẻm 391-393 Trần Hưng Đạo, quận 1. Và hàng trăm quán ốc vỉa hè đúng nghĩa có mặt khắp Sài Gòn để phục vụ khách ăn rong...
Theo Sài Gòn Tiếp Thị.