Nhiều đơn vị bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đã tăng giá các mặt hàng có tính thời vụ như điều hòa, máy xay sinh tố, máy ép hoa quả, cho đến một số loại như máy sấy tóc, máy ảnh kỹ thuật số, hóa mỹ phẩm…Lý do là giá USD tăng cao.
Chưa dám nhập hàng mới vì tình hình buôn bán rất chậm dù đã vào hè, nhưng qua báo giá từ nhà cung cấp, chị Hằng - chủ cửa hàng điện gia dụng Hằng Oanh trên đường Giảng Võ - cho biết, vẫn không thấy mặt hàng nào rẻ đi, mà một số loại còn đắt lên.
Cụ thể hàng máy xay sinh tố, nồi cơm điện xuất xứ Trung Quốc đợt này tăng giá từ 5-10%. Có thể hình dung một sản phẩm giá trên 100.000 đồng thì mức tăng thêm khoảng từ 10-15.000 đồng.
Tương tự tại hệ thống siêu thị Intimex, bắt đầu từ tháng 4, các mặt hàng máy xay sinh tố, máy ép hoa quả, máy sấy tóc của hãng Philips đã được áp dụng giá mới, tăng thêm khoảng 5% so với trước.
Cơ sở của việc điều chỉnh này, theo đại diện Intimex, là công văn đề nghị tăng giá một số sản phẩm của Philips được nhà cung cấp gửi đến từ ngày 1/3.
Máy xay sinh tố, nồi cơm điện xuất xứ Trung Quốc đợt này tăng giá từ 5-10%. (Ảnh: N.N) |
Chưa hết, siêu thị còn tiếp tục nhận được khoảng 5 văn bản đề nghị tăng giá khác với các mặt hàng hóa mỹ phẩm nhập từ Thái Lan, Malaysia… với lý do biến động tỷ giá ngoại tệ.
Ở lĩnh vực điện lạnh, không chỉ Mitsubishi thông báo tăng giá thêm 3-5% từ đầu mùa mà giá các sản phẩm của Panasonic, Samsung… cũng đang nhích lên vài ba trăm ngàn đồng một sản phẩm tùy loại.
“Mặc dù từ tháng 4/2009, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng điều hòa đã giảm 5%, nhưng lý do giá USD tăng, chi phí dịch vụ vụ hè tăng nên giá các sản phẩm của các hãng không thấy có sự đi xuống mà còn nhích nhẹ” - Trưởng quầy điện lạnh Trung tâm điện máy Pico nói.
Để đối phó, tránh thua lỗ trước sự lên xuống bất nhất của giá USD trong bối cảnh sức mua của thị trường rất chậm hiện nay, nhiều đơn vị nhập khẩu, kinh doanh khẳng định năm nay họ sẽ thắt chặt, không để tình trạng nhập hàng tràn lan, thực hiện bán đến đâu hết đến đấy.
“Nhập cầm chừng” là mô tả của chủ cửa hàng Digi World chuyên các đồ công nghệ, viễn thông trên phố Hàng Bài đối với mặt hàng máy ảnh kỹ thuật số.
Với giá máy ảnh đang tăng rất mạnh từ 40-50 USD/chiếc so với thời điểm trước Tết, chủ cửa hàng chỉ biết đặt câu hỏi: “Phải chăng số lượng bán ít đi, lượng hàng lấy về giảm nên các đầu mối nâng giá cao hơn để bù vào?”
Không đưa ra con số tiêu thụ giảm cụ thể, đại diện này chỉ chia sẻ nếu trước kia, một chiếc máy ảnh bán ra, cửa hàng có thể lãi khoảng 30USD, thì bây giờ, tâm lý khách hàng muốn được tặng kèm, đòi được giảm giá, lãi 5USD cửa hàng cũng phải bán.
Giám đốc Công ty TNHH Minh Anh, nhà nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm chủ yếu từ châu Âu phân tích, việc các nhà nhập khẩu phải điều chỉnh giá sản phẩm lúc này, ngoại trừ yếu tố tâm lý “ăn theo” giá USD, còn do nguồn ngoại tệ dự trữ của doanh nghiệp tại ngân hàng không đủ mạnh.
Thường xuyên giao dịch bằng đồng euro và cho rằng giữa các đồng ngoại tệ mạnh vẫn có sự tác động, ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng Giám đốc Công ty Minh Anh nhận định, biến động giá USD vừa qua chỉ ảnh hưởng rõ rệt nhất với các doanh nghiệp lớn, nhập khẩu, thanh toán thường xuyên bằng đồng tiền này.
Còn các doanh nghiệp nhỏ, một tháng nhập một vài container mà thường phải thanh toán tiền hàng trước đó 1 vài tháng thì việc tỷ giá biến động trong 1, 2 tháng qua chưa có tác động gì đáng kể.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá USD tháng 4/2009 đã tăng 1,25% so với tháng 3. Trước đó, chỉ số giá USD tháng 3 cũng đã tăng 0,19% so với tháng 2.
Ngày 23/4, tỷ giá liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố là 16.937 đồng/USD; giá USD trên thị trường tự do phổ biến ở mức 18.180 đồng/USD (mua vào) và 18.230 đồng/USD (bán ra) trong khi thời điểm cuối tháng 3, giá USD trên thị trường tự do dao động trong khoảng 17.800 đồng/USD.
Theo Vietnamnet.