Sau khi Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng tuyên bố sẽ xóa nạn ăn xin, thì người ăn xin đã tái xuất với nhiều hình thức trá hình.
Sau hơn một năm thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh, với nhiều giải pháp mạnh đã được thực thi, đặc biệt là 3 đường dây nóng được triển khai, thì lượng người xin ăn, đặc biệt là ở khu vực trung tâm thành phố đã giảm đáng kể.
Nhưng thời gian gần đây, tình trạng người xin ăn xuất hiện trở lại tại Thành phố với nhiều hình thức trá hình.
Thay vì hoạt động tại khu vực trung tâm thành phố thì nay họ có mặt ở khắp các quận, huyện với số lượng càng ngày càng lớn.
Ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (SởLĐTB&XH TPHCM) cho biết: "Hiện số lượng người xin ăn ngày càng tăng, sử dụng nhiều mánh khóe trá hình để qua mặt lực lượng chức năng.
Các đối tượng này tạo ra những vết thương giả, bồng bế trẻ em bán vé số, tăm bông,… thậm chí lợi dụng cả người già, trẻ em để xin tiền người đi đường, gây khó khăn cho lực lượng chức năng".
Điều đáng nói, ngày 17/2, tại buổi làm việc với Đảng bộ Công an TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã chỉ đạo gắn camera, yêu cầu quản lý người ăn xin ở khu vực trung tâm.
Đây là chính sách được nhiều người dân ủng hộ.
Theo ông Giang, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thu gom các đối tượng này như khi nhận được thông tin qua đường dây nóng, lực lượng chức năng tới nơi thì đối tượng đã bỏ đi, hoặc thấy bóng dáng của lực lượng quản lý là bỏ chạy".
Thế nhưng, việc người ăn xin hoạt động dưới nhiều hình thức khó quản lý hơn, cũng được coi là thách thức lớn cho Tân Bí thư TPHCM.
Theo một số quan điểm của người dân TPHCM, đây là chính sách nhân văn sẽ tạo điều kiện cho người nghèo, người khổ thực sự có chỗ ăn, chỗ ở đàng hoàng. Hơn nữa, không có khách du lịch nào đến TPHCM mà lại muốn nhìn thấy cảnh người ăn xin nhếch nhác, rách rưới, mất thẩm mỹ.
Tuy chỉ đạo này không mới nhưng rất thiết thực với thành phố. Việc lắp camera đồng bộ còn giúp giải quyết các tiêu cực trong giao thông, an toàn đô thị, hàng rong, lấn chiếm vỉa hè.
Tuy nhiên, để làm được triệt để thì không chỉ cơ quan chức năng mà chính người dân cần chấm dứt kiểu "làm phước" bằng cách cho tiền người bán hàng rong, lang thang, ăn xin.
Thậm chí, với kinh nghiệm là thành phố đã xóa bỏ thành công vấn nạn trên, ông Nguyễn Hùng Hiệp - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH thành phố Đà Nẵng cho rằng, đây là sự quan tâm đúng hướng của lãnh đạo địa phương, tín hiệu tốt cho các địa phương khác làm theo.
Thế nhưng, Đà Nẵng là một thành phố trẻ, diện tích quy mô không lớn, cho nên có điều kiện triển khai việc này dễ dàng hơn so với các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM.
Đối với, TPHCM cũng có nhiều điều kiện thuận lợi riêng nhất là nguồn lực để triển khai việc này, cho nên có thể nói, việc xử lý người lang thang xin ăn là việc hết sức khó khăn nhưng không phải không làm được, nếu có quyết tâm cao thì sẽ làm tốt.
"Theo tôi, khó khăn lớn nhất của TPHCM, đó là có số lượng dân nhập cư rất lớn, quy mô dân số như vậy, rõ ràng muốn làm được như Đà Nẵng, nguồn lực đầu tư nhiều hơn, biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn", ông Hiệp cho hay.
Mặt khác, để làm được hiệu quả, theo ông Hiệp, trước hết, việc làm này không phải một ngành, một đoàn thể hay một địa phương làm được mà nó cần cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, cùng thống nhất chủ trương.
Chỉ một ngành đứng ra làm chắc chắn sẽ không có hiệu quả, nên phải có quyết tâm chính trị, đồng bộ trong cả hệ thống chính trị.
Đồng thời, tạo được sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân, điều này rất quan trọng.
Khi dân hiểu được thì họ sẵn sàng báo cho chính quyền khi phát hiện ra người xin ăn trên đường phố, lúc đó chúng ta có thể tiếp cận, xử lý thông tin hiệu quả.
Cuối cùng, để giải quyết tận gốc, đối tượng còn khả năng lao động thì sẽ đào tạo nghề, hỗ trợ họ chuyển đổi việc làm khác để giúp ổn định cuộc sống.
An Nhiên (Tổng hợp)