Hôm 4/6, một phó thủ tướng Việt Nam nói rằng quốc gia này không xuất khẩu đất hiếm thô.
Việt Nam lâu nay mới chỉ tập trung vào các công việc lý thuyết và trong phòng thí nghiệm về đất hiếm.
Báo chí trong nước trích dẫn lời Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói trước Quốc hội rằng theo đánh giá của Cục Địa chất Mỹ, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm chiếm khoảng 18% trữ lượng toàn cầu, việc khai thác đất hiếm đã được chính phủ chỉ đạo sát sao và đã có dự án thử nghiệm.
Còn theo Asia Times, trữ lượng đất hiếm của Việt Nam ước tính là 22 triệu tấn, chỉ đứng sau con số 44 triệu tấn của Trung Quốc.
Nhưng Việt Nam gặp khó trong việc khai thác đất hiếm và bán ra thị trường toàn cầu. Trong năm 2023, Việt Nam chỉ sản xuất được 600 tấn, giảm khoảng 50% so với mức của năm 2022, đồng thời, con số này quá ít ỏi so với 38.000 tấn ở Myanmar đang có xung đột và 240.000 tấn của Trung Quốc trong cùng năm, Asia Times cho biết.
Một trong những khó khăn của Việt Nam là cho dù đất nước đã nghiên cứu về các thành phần hóa học được gọi chung là đất hiếm từ những năm 1970, song ngành khai khoáng và công tác giáo dục đào tạo chủ yếu tập trung vào các công việc lý thuyết và trong phòng thí nghiệm, vẫn theo Asia Times.
Kế hoạch của Việt Nam nhằm tăng tốc khai thác đất hiếm đã bị khựng lại hồi tháng 10 năm ngoái khi một loạt lãnh đạo các hãng khoáng sản bị bắt giữ vì có các sai phạm, trong đó có ông Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty Đất hiếm Việt Nam.
Phóng sự của Asia Times viết rằng những vụ bắt giữ này làm đình trệ kế hoạch của chính phủ về đấu giá các mỏ đất hiếm và tạo ra bầu không khí bất định về ngành này, dẫn đến việc các nhà đầu tư nước ngoài dừng lại nghe ngóng.
Về phía Mỹ, Asia Times cho hay ngay cả cấp cao nhất là Tổng thống Biden cũng đã thể hiện rõ mối quan tâm đến việc giúp Việt Nam phát triển ngành đất hiếm để Mỹ giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, với việc hai nước ký biên bản ghi nhớ ở Hà Nội năm 2023 về vấn đề này.
Nhưng có trở ngại là chính Mỹ cũng chưa đạt được mức độ cạnh tranh với Trung Quốc về khai thác, xử lý đất hiếm.
Hiện tại, chỉ có 8 hãng ở Mỹ có năng lực làm ra các sản phẩm đất hiếm ở cấp trung, Asia Times dẫn lại một bài báo của S&P Global, và nhận định rằng tình trạng thiếu năng lực đó và có thể là cả về bí quyết công nghệ nữa đồng nghĩa là việc mở rộng quy mô ngành đất hiếm của Việt Nam với đầu tư của Mỹ sẽ mất thời gian dài đáng kể.
Phó Giáo sư Ian Lange thuộc Trường Mỏ Colorado, Mỹ, nói rằng để giúp Việt Nam không lệ thuộc vào Trung Quốc về công nghệ xử lý, chính Mỹ sẽ phải phát triển các cơ sở thí điểm về phân tách cách thành phần đất hiếm của mình trước khi có thể thực hiện đầy đủ một chương trình đối tác Mỹ-Việt.
Ông Lange lưu ý với Asia Times rằng vấn đề không phải ở chỗ chỉ có Trung Quốc nắm được bí quyết gì đặc biệt vì mọi cái đều có trong sách, mà là lâu nay ở phương Tây không có ai thực sự xử lý đất hiếm trong khi Trung Quốc đã và đang làm việc đó trong nhiều năm.
Nguồn: VOA