Báo động chất lượng nông sản Dù ngành nông nghiệp đã nỗ lực vào cuộc, nhiều quy định về ATTP đối với nông sản đã được ban hành nhưng kết quả mang lại chưa như mong đợi của người tiêu dùng. 

 Rau ngót, rau muống đứng đầu nguy cơ mất ATTP

Kết quả giám sát về tình hình tồn dư hóa chất trên rau, quả từ năm 2008 đến nay cho thấy, nhóm rau ăn lá có nguy cơ mất ATTP hơn rau ăn quả. Trong đó, các loại rau có nguy cơ cao như rau muống, rau ngót, cải xanh, đậu đỗ. Loại rau, củ có ít nguy cơ nhất là bí xanh, bí đỏ. Còn trong các loại quả được giám sát thì nho tươi là loại quả có nguy cơ cao nhất, sau đến dưa lê, chuối, thấp nhất là xoài và cam. Đánh giá nguy cơ theo vùng địa lý cũng cho thấy, các vùng sản xuất, kinh doanh rau quả của các tỉnh phía Bắc có nguy cơ cao hơn khu vực miền Trung, và thấp nhất là khu vực các tỉnh phía Nam. 

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, đơn vị này đã chỉ đạo các đơn vị thành viên lấy mẫu kiểm tra ATTP đối với mướp đắng, rau ngót tiêu thụ tại 7 chợ đầu mối trên địa bàn TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đây là những loại rau, quả có nguy cơ cao mất ATTP. Kết quả kiểm tra cho thấy, rau ngót có 7/25 mẫu phát hiện chứa thuốc BVTV vượt mức dư lượng tối đa cho phép; 15/25 mẫu phát hiện thuốc BVTV dưới mức cho phép và 3 mẫu không phát hiện dư lượng thuốc. Về mướp đắng, có 2/25 mẫu phát hiện dư lượng thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép; 8/25 mẫu phát hiện thuốc dưới ngưỡng cho phép và 15 mẫu không phát hiện. Tuy rau muống và rau ngót được người tiêu dùng trong nước sử dụng hàng ngày, nhưng ngành nông nghiệp cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ đề tài nào nghiên cứu về hai loại rau này. 

Còn theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho hay, báo cáo từ 30/63 tỉnh thành cho thấy, đã kiểm tra phân loại 7.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, vật tư nông nghiệp, số cơ sở vi phạm là 1.126. Đặc biệt, triển khai Thông tư 14 của Bộ NN&PTNT về việc phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, vật tư nông nghiệp theo tiêu chí A, B, C thì số cơ sở xếp loại C vẫn rất cao, chiếm đến 25% số cơ sở sản xuất, kinh doanh nông thủy sản xếp loại C. Trong lĩnh vực giết mổ, vẫn còn 64,9% cơ sở xếp loại C. Nhận định về thực trạng này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát bày tỏ: “Mầm mống của những sản phẩm giả, kém chất lượng là từ những cơ sở sản xuất, kinh doanh xếp loại B, C. Chúng ta bắt buộc phải xử lý những cơ sở yếu kém này. Nếu nương tay tức là chúng ta chấp nhận cho một bộ phận kiếm lời bất chính trên lưng người nông dân”. 

Thuốc ngoài luồng thúc chín trái cây

Bên cạnh đó, ông Cao Đức Phát nêu thực trạng, hiện nay, xuất hiện tình trạng nông dân sử dụng một loại thuốc để thúc chín ép các loại trái cây như sầu riêng, mít, hồng xiêm… “Thương lái thu mua cả vườn, gồm cả quả chín và non. Sau đó, họ dùng hóa chất để thúc chín đồng loạt, đẹp mã. Điều này rất nguy hiểm, không những làm giảm chất lượng nông sản Việt Nam mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP vì không biết họ sử dụng hóa chất gì, lưu lượng ra sao”, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết, hiện nay, tất cả các nước xuất khẩu hay nhập khẩu đều không xuất - nhập hoa quả chín cây, mà được thu mua dưới dạng quả xanh, sau đó dùng hóa chất để xử lý chín. Tại Việt Nam, trong danh mục các thuốc BVTV được phép sử dụng cũng có nhóm thuốc điều hòa sinh trưởng (kích thích, thúc chín tố) nhưng đến nay, chưa có doanh nghiệp nào đăng ký nhập khẩu. Vì vậy, tất cả các hóa chất điều hòa sinh trưởng mà người dân đang sử dụng là thuốc ngoài luồng, phần lớn được nhập từ Trung Quốc có tên “kích thích tố, chín trái cây”. Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ công bố thuốc điều hòa sinh trưởng trong danh mục để người dân sử dụng chính thức.

Liên quan đến sự cố khoai tây Trung Quốc tại Lâm Đồng bị phát hiện có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép, ông Cao Đức Phát yêu cầu Cục BVTV kiểm tra làm rõ sai phạm xảy ra ở khâu nào. Do giám sát cửa khẩu lỏng lẻo, không phát hiện ra hay khi vào trong nước, trong quá trình lưu thông các thương nhân tự ý cho thêm vào để bảo quản sản phẩm. “Ở biên giới, chúng ta đã kiểm soát từ cửa khẩu, rồi có Hiệp định về kiểm soát nguồn gốc, chất lượng giữa các nước xuất - nhập khẩu. Nhưng tại sao, sản phẩm về đến trong nước vẫn tồn tại vi phạm? Phải tìm ra được tồn tại nằm ở khâu nào”. Bên cạnh đó, với rau ngót và mướp đắng, phải đưa vào chương trình giám sát cả năm nay, không thể để một loại rau ăn lá phổ biến mà có tỷ lệ mẫu tồn dư thuốc BVTV vượt ngưỡng cao như vậy.

Từ nay tới cuối năm, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu ngành nông nghiệp phải tập trung vào một số loại như thuốc BVTV, phân vi sinh, lò mổ. Thậm chí, có thể thuê tư vấn độc lập để đánh giá, giám sát, phải tạo ra được sự chuyển biến ở ba nhóm lĩnh vực này trong năm nay.

Theo ANTĐ.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC