Mỗi ngày, người đàn ông Trung Quốc đến cánh đồng ở ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, Long An để miệt mài chăm sóc những đám “lúa lạ”... Việc này diễn ra từ cuối năm trước, nhưng đến nay cơ quan chức năng chưa có động thái xử lý.
Người lạ trồng lúa lạ
Khoảng 2 tháng nay, người dân ấp 1, xã Hòa Phú khá quen thuộc với hình ảnh người đàn ông Trung Quốc xắn quần lội ruộng chăm sóc lúa tại địa bàn ấp này. Người đàn ông nói được vài từ tiếng Việt, xưng tên là Quang, còn người phiên dịch của ông thì gọi là Lji Wen. Ông Wen nhờ một người tên Trần Minh Nhu đứng tên thuê đất để ông trồng lúa.
Ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở NNPTNT cho biết: “ Long An là đất trồng lúa nên chúng tôi rất quan tâm đến chuyện này. Không chỉ người Trung Quốc, dù bất kỳ ai trồng “lúa lạ”, chúng tôi cũng kiểm tra và xử lý ngay”.
Ông Nguyễn Văn Bền (72 tuổi, ngụ ấp 1) kể: “Tôi có 1ha đất, cho ông Lji Wen thuê với giá 30 triệu đồng/ha/vụ. Với giá cho thuê kiểu này, gia đình tôi không cần làm lúa, lợi nhuận vẫn gấp đôi, dư sức mua sắm tết”. Kề nhà ông Bền, bà Nguyễn Thị Thật cũng cho ông Lji Wen thuê 0,4ha để trồng lúa.
Theo “hợp đồng” (ký tay), ông Trần Minh Nhu làm đại diện cho ông Lji Wen thuê đất của các hộ dân kể từ ngày 16.12.2012 đến ngày 16.4.2013, và tiến hành xuống giống ngay sau khi ký hợp đồng. Một người làm công cho ông Lji Wen kể, ông Wen yêu cầu chỉ gieo 56kg giống gồm 2 loại khác nhau cho mỗi ha đất (hiện tại, nông dân vùng này gieo khoảng 120kg giống/ha).
Khi mạ lớn, ôn Wen thuê người cấy hàng, cứ 2 hàng “lúa cha” xen 12 hàng “lúa mẹ”. Khi lúa trổ bông thì ông Wen và các nhân công dùng cây sào, gạt cho phấn hoa từ “lúa cha” bay sang thụ phấn cùng “lúa mẹ”. “Ông Wen chi tiền rất sộp, cứ 2 tuần lại rải phân, phun thuốc, trả tiền công gấp đôi so với giá nhân công tại đây” - ông Hai Tùng -người phun thuốc thuê cho biết.
Sáng 17.2, ông Wen, ông Nhu và nhóm nhân công vẫn miệt mài trên ruộng. Mọi người gọi ông Nhu là kỹ thuật viên và làm theo hướng dẫn của ông này. Theo lời ông Nhu, ông là nhân viên kỹ thuật của một trung tâm giống nhưng ông từ chối cung cấp địa chỉ làm việc vì hiện ông chỉ làm công cho ông Wen. Theo số điện thoại bàn ghi trong “hợp đồng” mà ông Nhu ký với nông dân, địa chỉ đăng ký là nhà riêng của một người tên Phạm Văn Mão, ngụ ấp 5, xã Bình Xuân, thị xã Gò Công, Tiền Giang.
Giám sát “lúa lạ”
Việc người Trung Quốc thuê đất với giá cao để trồng lúa là không bình thường, cần làm rõ động cơ, mục đích của họ càng sớm càng tốt.
GS-TS Võ Tòng Xuân cho biết, theo ghi nhận của chúng tôi, việc ông Lji Wen thuê đất với giá cao để trồng lúa lạ gây tò mò cho người dân vùng này. Theo người dân, làm lúa ở đây nếu trúng mùa, trúng giá 1 năm lời không tới 15 triệu đồng/ha, vậy mà ông Wen thuê tới 30 triệu đồng/vụ và đưa tiền một lần là hơi lạ. “Ban đầu, mọi người ai cũng bảo tôi phải cẩn thận khi giao dịch với người Trung Quốc, coi chừng bị họ lừa. Tuy nhiên, tôi thấy ông Wen chi tiền trước coi như mình nắm đằng cán nên không lo ngại gì cả” - ông Bền nói.
Theo ông Trương Quốc Ánh - người xưng là cán bộ Phòng Công nghệ sinh học thuộc Viện Nông nghiệp Miền Nam (Bộ NNPTNT), ông Wen là tiến sĩ nông nghiệp của Trường Đại học Tứ Xuyên, sang Việt Nam thực hiện Dự án Nghiên cứu hợp tác phát triển sản xuất lúa lai cho miền Bắc (đã làm nhiều vụ ở miền Bắc). Do miền Bắc lạnh nên không sản xuất giống vụ đông xuân được nên mới hợp tác với Phòng Công nghệ sinh học làm thử nghiệm sản xuất giống lúa lai đầu tiên ở miền Nam...
Theo thông tin do ông Ánh cung cấp, giống lúa đang được thử nghiệm này là giống Dương Hưu của Trung Quốc (ở miền Bắc bán tới 80.000 đồng/kg). Dù giá khá cao nhưng giống này không nằm trong danh mục giống đăng ký được sản xuất của Bộ NNPTNT. Ông Ánh cho biết, giống thì làm nhiều loại, khi loại nào thích nghi thì mới đăng ký với Bộ NNPTNT.
Do ông Wen mới đưa vào thử nghiệm nên chưa đăng ký với Trung tâm Khảo nghiệm Phía Nam, sau khi thử nghiệm thành công mới đăng ký(!?). Ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở NNPTNT Long An cho biết, sau khi có thông tin người Trung Quốc thuê đất trồng lúa, ông đã chỉ đạo ngành nông nghiệp kiểm tra ngay. “Theo quy định, nếu muốn khảo nghiệm giống lúa mới thì phải xin phép chứ không thể ai muốn làm gì thì làm. Ngay cả trung tâm giống của tỉnh muốn làm cũng phải đăng ký. Làm khảo nghiệm phải theo quy trình kỹ thuật chặt chẽ, ở khu vực riêng biệt chứ không thể trồng tràn lan giữa cánh đồng đang kiểu này. Chúng tôi sẽ sớm xử lý dứt điểm vụ này”.
Theo DV.