Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng phải tổng kết xem đã xử lý được bao nhiêu người đứng đầu liên quan cán bộ sợ sai, không dám làm và bao nhiêu người đã "đứng sang một bên" khi không làm được việc.

1 Bao Nhieu Nguoi Dung Dau Da Bi Xu Ly Lien Quan Can Bo So Sai Khong Dam Lam

Đại biểu Trần Hữu Hậu - Ảnh: GIA HÂN

Không biết sợ thì có lẽ là "điếc không sợ súng"

Tranh luận với đại biểu Trần Quốc Tuấn tại phiên thảo luận sáng 31-5, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) nhận định thêm về nhóm cán bộ sợ sai, đùn đẩy: Nếu trong thực thi công vụ, đã có các quy định, hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp để làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, chắc chắn phần đông cán bộ sẽ "nỗ lực để năng động, sáng tạo tìm những cách làm hiệu quả hơn, chẳng có gì phải sợ".

"Nhưng thực tế, trong không ít các việc lớn, việc nhỏ, nếu quyết định thực hiện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đem đến hiệu quả cho dân, cho nước thì phải vi phạm các quy định, pháp luật. Những người thấy làm sai quy định, dù vì lợi ích chung, mà không biết sợ thì có lẽ là 'điếc không sợ súng' hoặc thiếu ý thức tổ chức kỷ luật", ông Hậu nói.

Việc bảo vệ người dám nghĩ, dám làm cũng vì thế mà trở thành bất khả thi, theo đại biểu, bởi trong nhiều trường hợp sẽ là bảo vệ việc làm sai quy định, trái pháp luật. Khi đó lại cần bảo vệ người bảo vệ, cứ theo bậc thang có thể phải lên đến Quốc hội.

"Vì thế, việc cấp dưới hỏi xin ý kiến, chờ chỉ đạo của trên, thậm chí được giao nhiệm vụ rõ ràng rồi nhưng càng đi sâu vào thực hiện càng thấy vướng nên lại chuyển ngược lên cấp trên xin ý kiến rồi mới làm đang trở thành phổ biến", đại biểu Hậu phản ánh.

Ông nêu ví dụ chính việc xây dựng nghị định về khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm: Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã có định hướng, chỉ đạo rất rõ ràng, nhưng sau 3 lần chỉnh sửa dự thảo, lấy ý kiến, Bộ Nội vụ vẫn thấy "vướng rất nhiều quy định của pháp luật". Bộ lại phải báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội để tới đây có nghị quyết thí điểm, sau đó Thủ tướng mới ban hành nghị định.

Ông Trần Hữu Hậu thẳng thắn cho rằng cần làm sao để cán bộ không phải dám nghĩ, dám làm, cấp trên không phải khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, mà cán bộ chỉ cần tập trung công sức và trí tuệ để "năng động, sáng tạo", thực hiện công việc hiệu quả nhất cho dân, cho nước trong khuôn khổ pháp luật...

Ông bày tỏ thấm thía việc Thủ tướng trả lời một chất vấn của ông rằng "luật là do chúng ta, trong thực tiễn đang vướng mà vướng là do chúng ta đặt ra, vậy chúng ta sửa". Tuy nhiên, để sửa những quy định bất hợp lý do chính chúng ta đặt ra lại quá khó khăn.

Do đó, ông mong Quốc hội xem xét để có cách làm, trình tự thủ tục phù hợp hơn nữa để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, để cán bộ bớt phải "dám nghĩ, dám làm".

2 Bao Nhieu Nguoi Dung Dau Da Bi Xu Ly Lien Quan Can Bo So Sai Khong Dam Lam

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Ảnh: GIA HÂN

Có bao nhiêu người đã "đứng sang một bên"?

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng tranh luận, nhận định hiện tượng cán bộ né trách nhiệm đã có từ lâu nhưng dường như gần đây nặng hơn, phức tạp hơn. Do đó, phải rà soát tỉ lệ để xử lý số cán bộ, bộ phận này.

Về giải pháp, ngoài cá thể hóa trách nhiệm trong thực thi công vụ, theo đại biểu, cần cá thể hóa cả trách nhiệm trong tham mưu, đề xuất, sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, vì việc chậm ban hành văn bản chi tiết chưa được khắc phục.

Cũng tranh luận nội dung này, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng điều quan trọng là bắt thế nào cho đúng bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm.

Ông Hạ lấy ví dụ việc giải ngân vốn đầu tư công trung hạn năm nay mới chỉ đạt khoảng 14%, trong khi đáng lẽ ở những năm giữa nhiệm kỳ, khi các thủ tục đầu tư hoàn thiện, việc giải ngân phải càng cao, càng dễ hơn.

Để khắc phục nguyên nhân ở quy định pháp luật, Quốc hội đã đồng hành khi có các kỳ họp bất thường để ra quyết sách nhanh, Chính phủ đã phân cấp, phân quyền mạnh. Dù vậy, trong khi nhiều tỉnh giải ngân rất tốt thì nhiều tỉnh vẫn ì ạch.

"Tôi trao đổi với cơ sở, cán bộ tâm sự cái khó là tham mưu làm sao vừa đúng quy định vừa đúng ý chỉ đạo của sếp, lãnh đạo. Cho nên khó xử lý cán bộ không chịu tham mưu. Tôi cho rằng trách nhiệm chính là ở người đứng đầu. 

Chúng ta phải quyết tâm, quyết liệt xử lý những người đứng đầu. Phải tổng kết xem đã xử lý được bao nhiêu người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ này và bao nhiêu người đã 'đứng sang một bên' khi không làm được việc. Đây mới là điều chính", đại biểu Hạ đặt vấn đề.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC