Trước đó, trong bản tin, các báo không đề cập chi tiết đây là công trình do tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đầu tư.
Hiện trường vụ sập tháp chuông ở nhà ga cáp treo tại cảng Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, hôm 14 Tháng Giêng. (Hình: Dân Trí)
Tuy nhiên trang mạng “VHS Real Estate” cho hay, dự án “Vinpearl Island Condotel Hòn Tre (Vinoasis Nha Trang) thuộc Đảo Hòn Tre, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà và chủ đầu tư dự án là Tập Đoàn Vingroup. Diện tích dự án: 2.2 ha. Quy mô dự án: 6 toà căn hộ khách sạn. Độ cao trung bình: Khoảng 10 tầng. Đơn vị thiết kế: Aedas (tập đoàn lớn thứ 5 thế giới). Đơn vị quản lý và vận hành: Thương hiệu Vinpearl.”
Theo bản “web cache” do Google lưu lại, bản tin của VNExpress hiện đã bị gỡ, viết: “Phần bị sập thuộc dự án rộng hàng ngàn mét vuông chạy dọc biển, ở phường Vĩnh Nguyên, xây theo kiến trúc Châu Âu. Đây cũng phần tháp cao nhất của công trình.”
“Vụ sập tháp này khiến nhiều giàn giáo, sắt thép, phần đất đá của công trình nằm ngổn ngang. Hơn chục xe vận tải, máy xúc được điều động thu dọn hiện trường. Lực lượng bảo vệ không cho người vào công trình, hạn chế xe cộ đi qua khu vực.”
Cũng theo bản tin, công trình “dự kiến khai trương vào cuối tháng này.”
“Đại diện đơn vị đầu tư công trình cho biết tòa tháp bị đổ trong quá trình sửa chữa, cải tạo, không có thiệt hại về người,” VNExpress cho biết thêm.
Điều khiến công luận bất bình là các báo đều phải gỡ bỏ bản tin chỉ sau một vài giờ đăng tải mà không hề giải thích lý do.
Trên diễn đàn VietBF, thành viên “Dinh Hiep” chia sẻ: “Tháp nhà ga cáp treo ở Nha Trang sập, dự là do làm móng ven biển yếu quá, các báo có đưa tin nhưng không nói công trình của ai. Của tập đoàn V [Vingroup] chứ ai. Nguyên tắc cơ bản viết tin mà các báo cũng không theo, bởi vì tập đoàn kia mạnh quá. Có báo đăng rồi gỡ bài luôn. Các báo thích đăng tin thách thức Tesla nọ kia hơn.”
Cùng thời điểm, ông Kim Van Chinh, nhà quan sát ở Hà Nội, bình luận trên trang cá nhân hôm 15 Tháng Giêng: “Để làm việc này [buộc các báo gỡ bài], chắc chắn Vingroup phải có lệnh (yêu cầu), và cơ quan quản lý, Tuyên Giáo và báo chí phải nhất loạt ra tay thì các báo mới nhất nhất thực hiện như vậy.”
Sau vụ việc, Facebooker này đưa ra các kết luận: “Chất lượng xây dựng và quản lý các dự án bất động sản của Vingroup là có vấn đề. Nếu trước đây Vingroup có chất lượng ở mảng này thì nay đã xuống cấp.”
“Thế lực của Vingroup rất lớn, có thể điều khiển được cả chính quyền làm trái luật, cốt sao cấm các báo nói về các thông tin sự thật nhưng vin không muốn xã hội biết. Điều này rất nguy hiểm cho an ninh quốc gia để một doanh nghiệp thao túng chính quyền, hạn chế quyền được thông tin sự thật của nhân dân,” theo Facebook Kim Van Chinh.
Phóng viên không được đến gần hiện trường do bị nhân viên bảo vệ của Vingroup ngăn cản. (Hình: VNExpress)
Việc các báo đồng loạt gỡ bài đã có tiền lệ với các bản tin liên quan vụ cư dân khu đô thị Vin Grand World Phú Quốc ở tỉnh Kiên Giang, Vinhomes Grand Park quận 9, Sài Gòn căng băng rôn đòi quyền lợi hồi các năm trước.
Bên cạnh đó, các báo ở Việt Nam còn gỡ hàng loạt bản tin liên quan các vụ tai nạn hoặc cháy xe điện VinFast, công ty con của tập đoàn Vingroup.
Nguồn: Báo Người Việt