Chiều 26/10, hàng trăm ngư dân ven biển miền Trung bắt đầu di chuyển tàu thuyền vào bờ, các phương án di dân đã được xây dựng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chủ quan vì "thời tiết đang đẹp".
Chiều 26/10, thời tiết ở Nghệ An khá đẹp, trời nắng nhẹ. Tại một số huyện, thị ven biển như Nghi Lộc, Cửa Lò, Cửa Hội, tình hình phòng chống bão của ngư dân vẫn khá yên ắng. Lác đác một số hộ dân đưa thuyền bè vào bờ neo đậu. Tại cảng cá Cửa Hội, một số tàu đang cố gắng bán nốt số cá trước khi đi tránh bão. "Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đến tối mai bão mới đổ bộ nên cũng chưa cần phải lo lắng lắm. Sáng mai, chúng tôi mới neo đậu tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn", một ngư dân đang bán cá ở cảng Cửa Hội cho biết.
Nhiều gia đình nuôi tôm ở khu vực ven cửa sông, cửa biển cho biết, hầu hết tôm thương phẩm đã được thu hoạch từ trước, giờ trong đầm hầu như chỉ còn lại tôm giống, rất nhỏ nên họ chưa có phương án dự phòng nào. "Nếu mưa lớn, sóng to, nước biển dâng cao thì đầm tôm giống của chúng tôi sẽ bị mất trắng nhưng cũng đành chịu. Nếu tôm lớn thì còn có thể huy động người đi quét về bán tháo nhưng tôm nhỏ quá thì đành phải nhờ trời thôi", bác Nam, chủ đầm tôm ở xã Hưng Hòa, thành phố Vinh cho hay.
Theo nhiều nông dân ở huyện Hưng Nguyên, sở dĩ họ khá bình thản trước tin bão đổ bộ là bởi hầu hết diện tích lúa và hoa màu đã được thu hoạch từ đợt mưa lũ trước, giờ đang là thời gian làm đất để chờ vụ mới. Nếu có bão, lũ về thì họ cũng không phải tất bật như những đợt trước.
Trong khi người dân đang có tâm lý chủ quan, ung dung chờ bão thì các cơ quan chức năng ở miền Trung đang gấp rút triển khai các phương án phòng chống. Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An cho biết, chiều 26/10, tất cả các thành viên của của Ban chỉ huy đều đã xuống địa bàn, trực tiếp chỉ huy công tác chống bão. Hiện, Nghệ An còn hơn 1.200 tàu thuyền hoạt động trên biển, Ban đã liên lạc và đề nghị các tàu, thuyền tìm nơi trú ẩn an toàn.
Theo ông Hiếu, lo ngại nhất của tỉnh Nghệ An là tình trạng các hồ đập. Hiện, mực nước ở các hồ đã đầy đến 80%, nếu có lũ về, các hồ sẽ phải chủ động xả nước để đảm bảo an toàn. "Sáng 27/10, chúng tôi sẽ ra lệnh cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi và ưu tiên kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn", ông Hiếu cho biết.
Ở vùng biển Cửa Hội, lác đác một số tàu thuyền cỡ nhỏ đã tìm nơi trú ẩn. Một số tàu thuyền lớn vẫn đang trên đường đi tránh bão. Ảnh: Nguyên Khoa. |
Tại tỉnh Hà Tĩnh, lúc 17h, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh này họp khẩn cấp, bàn phương án chống bão. Đến 15h ngày 26/10, Hà Tĩnh đã liên lạc được gần 4.000 tàu thuyền với khoảng 14.000 lao động trên biển, kêu gọi vào nơi trú ẩn an toàn. Tỉnh này cũng đã xây dựng 3 phương án sẵn sàng di dân ven biển nếu bão đổ bộ trực tiếp.
Tại khu kinh tế Vũng Áng, nhiều công trình, dự án đang trong thời kỳ xây dựng. Ông Bùi Lê Bắc, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCLB và TKCN Hà Tĩnh cho biết, tỉnh đã có công điện yêu cầu Ban quản lí khu kinh tế Vũng Áng tổ chức triển khai đối phó với bão Sơn Tinh trước 20h ngày 26/10, các công ty, dự án đang thi công cần chủ động ứng phó với mọi tình huống xấu nhất của bão.
Hiện, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đang duy trì các ca trực suốt ngày đêm, sẵn sàng điều động các cán bộ chiến sĩ để cứu hộ, cứu nạn. Tỉnh này cũng đã dự trữ khoảng 50 tấn mỳ tôm, 15.000 lít nước uống và gạo, dầu…để chủ động ứng phó với bão Sơn Tinh.
Tại Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế, nhịp sống của người dân diễn ra bình thường, hầu hết chưa quan tâm đến chuyện chuẩn bị đối phó với cơn bão ngoài biển Đông đang tiến sát vào bờ.
Trong khi đó, tại khu vực bờ biển dọc đường Nguyễn Tất Thành (quận Thanh Khê), và bờ biển Mỹ Khê dọc đường Trường Sa – Hoàng Sa (quận Sơn Trà), một không khí khác hẳn khi hàng trăm ngư dân tất bật lo di chuyển tàu thuyền vào bờ. Ông Nguyễn Văn Chính (58 tuổi, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), tranh thủ sơn lại chiếc thuyền gỗ vừa được kéo vào bờ tránh bão nói: “Bão lụt ở đây bà con ngư dân chúng tôi lo lắng nhất, lo thu vén tàu thuyền, tài sản của mình để chờ biển yên, sóng lặng ra khơi mưu sinh”.Ông Thế, nhà trên đường Ngô Quyền (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết, nghe đài, tivi báo bão nhưng thấy thời tiết bình thường nên ông và những người xung quanh vẫn mở hàng quán buôn bán như mọi ngày. “Nhà tôi mái tôn, lúc nào có bão thì vứt ít lốp xe, cành cây lên chặn lại là xong”, ông Thế nói.
Ông Chính bị cụt bàn tay trái từ nghề đi biển, để kéo được chiếc thuyền lên bờ, ông phải nhờ đến 20 bạn thuyền đẩy lên xe rồi hợp sức kéo vào. “Những lúc trời đổ bão, chỉ mong chính quyền địa phương giúp đỡ thêm lực lượng dân quân hay bộ đội giúp ngư dân chúng tôi sớm đưa được tàu thuyền vào bờ, tránh những thiệt hại không đáng có”, ông Chính nói thêm.
Chiều 26/10, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Đà Nẵng đã họp khẩn triển khai phương án phòng, ứng phó với cơn bão Sơn Tinh. Ban chỉ huy yêu cầu ngành chức năng tăng kiểm tra, theo dõi, quản lý chặt không cho tàu thuyền xuất bến, lên phương án ứng phó, đặc biệt tại vị trí xung yếu, nguy cơ sạt lở, ngập úng; đề phòng lũ quét; chủ động di dời dân nếu tình huống xấu xảy ra.
Ngư dân Đà Nẵng đưa thuyền vào bờ tránh bão. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đối phó với bão Sơn Tinh, các tỉnh, thành phố trong khu vực đã nhận và triển khai các công điện về công tác phòng chống lụt, bão. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận đã thông báo và hướng dẫn hơn 10.000 tàu với trên 72.000 lao động, đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Khu vực quần đảo Hoàng Sa chỉ còn 11 tàu với 456 lao động của tỉnh Quảng Ngãi. Số tàu này đang được Bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương và gia đình vận động quay về đất liền. Nhiều tàu của Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa,... đang chạy về bờ và di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
Các hồ thủy lợi trong khu vực đang vận hành bình thường. Dung tích các hồ chứa các tỉnh khu vực miền Trung phổ biến đạt từ 50-70% so với dung tích thiết kế. Một số hồ sắp đầy hoặc đầy đang tiếp tục xả điều tiết với lưu lượng nhỏ như Khe Tân, Thạch Bàn (Quảng Nam), Cam Ranh, Suối Dầu, Suối Trầu (Khánh Hòa).
Theo VNE.